Phát triển cây ăn quả có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Nhất thiết phải liên kết sản xuất

Phát triển cây ăn quả có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Nhất thiết phải liên kết sản xuất
Các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng trong phát triển cây ăn quả có múi. Thực tế đã chứng minh, nếu có hệ thống giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến tiến bộ kỹ thuật, cộng với sự vào cuộc của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn sẽ thành công. Cam Cao Phong, Cam Hàm Yên,... là các ví dụ điển hình.

Nông dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) có thu nhập ổn định nhờ trồng cam.

Tiềm năng lớn

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cam, bưởi, quýt nằm trong top 15 loại cây trồng có diện tích lớn nhất (trên 100.000ha) và sản lượng lớn nhất (trên 100.000 tấn/năm) trong sản xuất cây ăn quả nước ta hiện nay, cùng với chuối, xoài, nhãn, vải, thanh long, dứa, sầu riêng, chôm chôm, mít, chanh, na và ổi.

Trong đó, một số địa phương ở vùng Trung du miền núi phía Bắc đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao và khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Tổng diện tích cam, quýt, bưởi của vùng khoảng 43.500ha, chiếm 23,5% diện tích cây ăn quả toàn vùng (184.400ha), chiếm 60% diện tích cam, quýt, bưởi phía Bắc (72.600ha) và bằng 27,6% diện tích cam, quýt, bưởi cả nước (157.400ha).

Điều đáng ghi nhận là, trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu, áp dụng thành công như: một số giống cây có múi mới đã và đang được phát triển, bổ sung cơ cấu giống trong sản xuất; nhân giống cây có múi sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng; áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới hay kỹ thuật thụ phấn bổ sung khắc phục hiện tượng ra hoa nhưng không đậu quả; kỹ thuật bao trái để hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục trái...

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề: Giải pháp phát triển cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, bền vững tổ chức tại Yên Bái mới đây, sản xuất cây có múi ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính bền vững chưa cao, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tính cạnh tranh thấp.

Cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, giống thoái hóa, giống chất lượng chưa cao, đặc biệt là nhiều hạt, làm giảm sức cạnh tranh, nhất là sản phẩm ăn tươi. Tỷ lệ cây giống sạch bệnh, chất lượng tốt đưa ra sản xuất đại trà còn thấp; cây giống sản xuất và lưu hành trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tưới nước, thụ phấn bổ sung, kỹ thuật bao quả… mặc dù đã ban hành quy trình nhưng thực hiện chưa.

Việc tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, mà chủ yếu thu gom nguyên liệu nên khó khăn trong quản lý truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều, rủi ro cao. Công tác thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn hạn chế, bất cập.

Hình thành vùng chuyên canh lớn 

Với tiềm năng vô cùng to lớn, đến nay, ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã hình thành những vùng chuyên canh cây có múi lớn, bước đầu khẳng định được thương hiệu.

Đơn cử như tại Yên Bái, diện tích cây ăn quả có múi là 2.846,41ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Chấn (1.307,56 ha); Trấn Yên (333,94 ha); Lục Yên (464,70 ha); Yên Bình (653,63 ha) với sản lượng gần 7.000 tấn. Hiện đã có 01 nhãn hiệu “Cam Sen” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn tổ chức áp dụng và quản lý. Có 03 huyện đề xuất tạo lập và quản lý nhãn hiệu gồm: huyện Văn Chấn với nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn”; huyện Yên Bình với nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Đại Minh”; huyện Lục Yên với nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”. Nhìn chung, sản phẩm quả có múi đã dần đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, các đặc tính quý được duy trì và bảo tồn.

Để phát huy tiềm năng về đất đai, khí hậu; nguồn nhân lực dồi dào ở địa phương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo phát triển cây ăn quả có múi (chủ yếu là giống cam sành) tập trung có giá trị kinh tế cao phù hợp với vùng sinh thái, chủ yếu ở Hàm Yên và Chiêm Hoá.

Hàm Yên hiện có 7.022ha cam, trong đó 5.953ha cam sành, với 3.911ha cam cho thu hoạch. Vụ cam năm 2016 - 2017, năng suất bình quân đạt 267,6 tạ quả/ha, sản lượng đạt trên 104.643 tấn. Từ năm 2007, huyện xây dựng thành công nhãn hiệu Cam sành Hàm Yên. Năm 2013, cam sành Hàm Yên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chứng nhận top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; sản phẩm Cam sành Hàm Yên đã được vinh danh là một trong 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2014, được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013. Năm 2015, đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Trong các vùng sản xuất cây có múi của tỉnh Hòa Bình hiện nay, những nơi sản xuất tập trung, tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao là vùng cây ăn quả có múi Cao Phong và vùng trồng bưởi Tân Lạc. Riêng tại Cao Phong, diện tích cây có múi toàn huyện khoảng 2.300ha, trong đó trên 1.900 ha cam, quýt và gần 400 ha bưởi, diện tích kinh doanh khoảng 1.120 ha. Giá trị thu nhập đối với cây có múi của Cao Phong thuộc nhóm cao của tỉnh (đạt trên 550 triệu đồng/ha).

Ngày 4/11/2014, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ký chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý” cho cam Cao Phong. Đây là thành quả của cả một tập thể, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu.  Ngày 16/11/2014, cam Cao Phong được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp công bố và cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Hà Giang cũng là một trong những vùng trồng cam lớn của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cây cam được trồng tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Đến năm 2016, sản phẩm “Cam sành Hà Giang” chính thức được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00052 theo Quyết định số 4092/QĐ-SHTT ngày 10/10/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ. Tổng diện tích cam trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2016 đạt 8.124 ha, diện tích cho thu hoạch là 3.667,9 ha. Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích cam toàn tỉnh cho thu hoạch ổn định từ 5.000 - 6.000ha.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững diện tích cây ăn quả có múi ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi.

Theo ông Phạm Ngọc Lin, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương), để hạn chế các rủi ro trong phát triển cây ăn quả có múi, cần có hệ thống các giải pháp kinh tế, kỹ thuật đồng bộ. Một trong những giải pháp có hiệu quả là sử dụng cơ cấu giống rải vụ phù hợp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả có múi: tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả, áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế phun thuốc trừ sâu và ruồi đục quả…

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Bộ môn Bệnh cây (Viện Bảo vệ thực vật), kiến nghị: Để duy trì và phát triển nền sản xuất cây ăn quả có múi trong bối cảnh bệnh vàng lá greening và nhiều loại sâu bệnh hại khác đang lây lan rộng, chiến lược sử dụng cây giống sạch bệnh và áp dụng các biện pháp thâm canh và quản lý tổng hợp sâu bệnh hại để chống tái nhiễm bệnh trên đồng ruộng cần được tuyên truyền rộng rãi và áp dụng ở các vùng trồng cây có múi trên cả nước.

Theo TS.Trần Văn Khởi, để phát triển cây ăn quả có múi an toàn, bền vững vùng trung du miền núi phía Bắc, cần quy hoạch, rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn. Tuyên truyền vận động nông dân tự tham gia các hình thức hợp tác liên kết: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã,… Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả có múi từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng (nhất là đối với cam). Tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý các loại quả có múi.

 

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh kiến nghị nên đưa nhóm hàng quả, rau, hoa thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

“Quả, rau, củ xuất khẩu không cần cánh đồng lớn, từng khu vườn của bà con trồng được, đồi dốc nghiêng vẫn trồng cây tốt. Như Sơn La có nhiều hợp tác xã trồng các loại quả xuất khẩu rất tốt.

Đối với đồng bằng, đặc biệt là miền núi cần lựa chọn các loại quả, rau, hoa phù hợp với mỗi địa phương, trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần giảm nghèo ở vùng nông thôn. Như vậy, cùng với việc đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia, phát triển các hợp tác xã nông thôn để trồng quả, rau, hoa xuất khẩu là một hướng chúng tôi cho là khả thi, góp phần giảm nghèo tương đối hiệu quả”, ông Nhân nói.

Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn