Phát triển nông sản: Cần kết nối nông dân, doanh nghiệp với thị trường

Phát triển nông sản: Cần kết nối nông dân, doanh nghiệp với thị trường
Hiện nay có quá ít các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tại Việt Nam, con số này mới chỉ đạt 1%. Thu nhập của người nông dân là quá thấp, tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra, trong khi nông nghiệp được xem là ngành kinh tế trọng tâm của khu vực ASEAN.
 
Hội chợ trái cây và hàng nông sản tại tỉnh Bình Phước. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)


Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp lần thứ 2, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tổ chức ngày 23/6, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nền nông nghiệp nước ta đang bị đe dọa bởi đô thị hóa, ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong khi dân số đang gia tăng nhanh.

Bởi vậy, Việt Nam cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng trong sản xuất, canh tác nông nghiệp. “Cần tìm ra những phương thức sản xuất mới, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sinh kế cho nông dân vừa phải giảm thiểu sự lãng phí lương thực, giảm thiểu sự tác động của môi trường từ nông nghiệp,” ông Lộc nhận xét.

Theo ông Lộc, khi có phương thức sản xuất, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hạt nhân, liên kết và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thông qua những sáng kiến mô hình sản xuất kinh doanh với hàm lượng công nghệ, chất lượng cao, đặc biệt có sự liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị.

“Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Việt Nam cũng như nhiều nước ASEAN khác chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, càng ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao,” ông Lộc nhìn nhận.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, thách thức lớn của Việt Nam cũng như các nước ASEAN là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các mặt hàng và sản xuất theo hướng bền vững. Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và đầu tư xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện Việt Nam đã triển khai mô hình đối tác công tư trên nhiều ngành hàng. Mô hình đối tác công tư thực hiện trên cà phê đã chứng minh được hiệu quả rõ nét như: Tăng năng suất sản phẩm, thu nhập người nông dân tăng 14%, tiết kiệm 30% lượng nước, giảm phát thải tới 63%.

Hiện nay, mô hình đối tác công tư đang được đẩy mạnh nhân rộng và dự kiến đến năm 2017 sẽ có 500.000 nông dân tham gia và các dự án hợp tác công tư.

Trong thời gian qua, các nhóm công tác đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy trình mới, nâng cao chất lượng hàng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo chuỗi giá trị gia tăng và đặc biệt giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

“Hi vọng qua diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ tăng cường hợp tác qua mô hình. Mối liên kết này sẽ gia tăng đáng kể sản lượng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lượng thực đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nông sản ASEAN trên thị trường thế giới,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Tại diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp lần thứ 2 với chủ đề "Khu vực ASEAN năm 2015: Hợp tác vì sự phát triển bình đẳng,” các chuyên gia cho rằng cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng trong sản xuất, canh tác nông nghiệp.

Theo đó, Việt Nam và các nước ASEAN cần thống nhất đưa ra chiến lược phát triển, tăng cường sự tham gia của khối tư nhân; thúc đẩy sự hợp tác triển khai mô hình đối tác công tư đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường truyền tải thông tiên đến người nông dân.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia đã đưa ra một số sáng kiến như thành lập Ngân hàng giải quyết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp; tạo ra cơ hội bình đẳng cho những người nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ.

Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp lần thứ 2 sẽ kéo dài đến hết ngày 24/6./.
Theo Võ Hùng/vietnamplus.vn