Phát triển thương mại nông sản thị trường nội địa: Nhiều rào cản
- Thứ tư - 21/06/2017 06:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu rà soát các rào cản thể chế ảnh hưởng tới thương mại nông sản thị trường nội địa, tập trung chủ yếu vào 2 sản phẩm là thịt lợn và thịt gà do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), tổ chức sáng nay (20/6), tại Hà Nội.
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, bà Trần Thị Thanh Nhàn – Bộ môn thị trường ngành hàng (IPSARD) cho hay, hiện nay nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước có tăng nhưng sản xuất trong nước tăng nhanh hơn so với nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể, tốc độ tiêu dùng thịt tăng, giai đoạn 2010-2016 tăng 2%, năm 2016 tăng 3,84% trong đó thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn 70%. Bên cạnh đó, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm cũng tăng.
Mặt khác, hiện nay, giá cả các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi trong nước đang cao hơn so với nước ngoài. Cụ thể, giá sản xuất thịt lợn của Việt Nam là 2,08 USD/kg, trong khi Mỹ là 1,41 USD/kg; thịt bò 2,53 USD/kg, trong khi Úc 1,77 USD/kg. Điểm đáng chú ý là hiện nay người tiêu dùng trong nước đánh giá cao sản phẩm nhập khẩu, trong khi đó, các sản phẩm chăn nuôi nội địa bị đánh giá thấp hơn, đây là khó khăn cho người sản xuất và doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn cho hay, hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối diện với nhiều bất cập. Thủ tục xin cấp phép đầu tư cho các vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung phải tuân thủ qua 8 bước. Trong đó, dự án thực hiện trên khu đất đã nằm trong vùng quy hoạch tập trung nhưng vẫn phải tuân thủ theo các bước này gây khó khăn và không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Đất đã vào khu quy hoạch tập trung không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay cũng rất khó khăn. Sự không thống nhất và có quá nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh của cơ sở sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm khiến cho DN, cơ sở khó khăn trong cập nhật và tuân thủ.
Nhóm bất cập thứ hai là bất cập trong quy định về quản lý giết mổ trong chăn nuôi. Các chính sách quy hoạch và hỗ trợ phát triển các khu giết mổ tập trung chưa hiệu quả, chồng chéo, chưa hợp lý và chưa cập nhật bởi trùng với quy hoạch phân khu đô thị, xa các điểm phân phối thịt không phù hợp với quy hoạch nông thôn mới và tình hình phát triển của địa phương. Những yếu tố này không khuyến khích việc giết mổ ở các cơ sở tập trung đã được đầu tư kinh phí từ ngân sách Nhà nước, gây lãng phí. Đồng thời không kiểm soát được giết mổ nhỏ lẻ, không khuyến khích doanh nghiệp tự đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, chính sách tín dụng hỗ trợ cho xây dựng, mở rộng cơ sở giết mổ tập trung trong 2 năm qua chưa hiệu quả, khó tiếp cận.
Nhóm bất cập thứ 3 liên quan đến quy định về kiểm dịch và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Cụ thể, Thông tư 24/2013/TT-BYT quy định về mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm đối với 59 hóa dược. Trong khi đó, QCVN 01-10:2009/BNNPTNT và QCVN 01-12:2009/BNNPTNT có đề cập nhưng chỉ có 19 kháng sinh, hóa dược đối với gà và 9 kháng sinh, hóa dược đối với lợn… gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi và khó cho quản lý, xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước…
Ngoài ra, thu phí kiểm dịch theo lô hàng không tính lớn, nhỏ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhỏ, dẫn tới khó cạnh tranh. Tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho thịt nhập khẩu yếu, đặc biệt là nội tạng động vật. Điều này gây khó khăn trong quản lý, cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng chất lượng cao, thấp, hàng trong nước và nhập khẩu…
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra các kiến nghị như thống nhất phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và phân phối sản phẩm động vật. Đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế các bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như xem xét sửa đổi, bổ sung bất cập trong Thông tư 24/2013/TT-BYT; Thông tư 45, Nghị định 178, Nghị định 229; ban hành quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở chế biến sản phẩm động vật… Các chính sách quản lý nên dựa trên quan điểm nhà nước tạo môi trường, xây dựng thể chế, thiết lập hệ thống kiểm soát bắt buộc nhằm đảm bảo minh bạch và công bằng trong phân phối, lưu thông thực phẩm, đảm bảo an toàn. Tư nhân cung cấp thực phẩm an toàn.
Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội - nhấn mạnh, liên kết theo chuỗi từ trồng trọt đến chăn nuôi sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch chăn nuôi cần phải hướng đến liên kết chuỗi, gắn với chế biến… Đây là việc khó, cần phải có chính quyền vào cuộc.