Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam là vấn đề cốt lõi để phát triển nông nghiệp bền vững
- Thứ sáu - 06/12/2019 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham dự và chủ trì hội nghị gồm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Stein Hansen – Giám đốc vùng của Tổ chức Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), cùng với gần 200 đại biểu từ các đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, hiệp hội, các chuyên gia nông nghiệp đầu ngành,..
Nội dung chính của Hội nghị toàn thể ISG 2019 tập trung vào 3 vấn đề chính: Thảo luận, đề xuất các khuyến nghị chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công từ các chương trình/dự án của đối tác quốc tế trong việc phát triển xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp bền vững, thúc đẩy chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới; Chia sẻ các định hướng ưu tiên nhằm tăng cường cơ hội hợp tác giữa hai bên trong phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt hướng đến nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong những năm qua ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng. Trong đó không thể không nhắc đến sự ủng hộ to lớn và hiệu quả của bạn bè quốc tế, gồm các quốc gia, các định chế kinh tế tài chính lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không chủ quan trước 3 thách thức lớn, ngày càng nghiêm trọng. Một là quy mô sản xuất nhỏ lẻ - đây là nút thắt để đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Hai là tác động của biến đổi khí hậu, mà kinh tế nông nghiệp là nơi chịu tổn thương nặng nề nhất. Ba là ở giai đoạn đầu chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi chung, thách thức chung là xuất phát điểm kinh tế chưa mạnh, từ năng lực khoa học, tiềm lực kinh tế. Chính vì thế để giải quyết phải tiếp tục tập trung công cuộc tái cơ cấu kinh tế nói chung, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển nhóm sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất, tổ chức lại sản xuất cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Chủ đề diễn đàn năm nay là tập trung phát triển vùng nguyên liệu, gắn với công nghệ chế biến tốt và tổ chức phát triển thị trường, có thể nói đây là chủ đề xuyên suốt. Với tiềm lực của nền kt nông nghiệp Việt Nam đến giờ phút này có thể đánh giá là tốt, tuy nhiên chưa tốt về hiệu quả do sức sản xuất quy mô nhỏ tập hợp lại thành số lượng sản phẩm lớn, với nguy cơ lãng phí tài nguyên, lãng phí sản phẩm là một thực tế lớn. Ngành hàng tôm, cá tra, bò sữa Việt Nam có bước tiến đáng kể trong việc chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị dài hơn, tuy nhiên tổng thể các sản phẩm ngành trồng trọt, lương thực, cây công nghiệp cho đến chăn nuôi hầu hết chuỗi giá trị còn ngắn.
“Phát triển nguyên liệu bền vững và kết nối chuỗi giá trị, nâng cao năng lực chế biến và phát triển thị trường, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường là những vấn đề không mới nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện bài bản và có chiến lược rõ ràng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lễ ký Bản Bản cam kết hợp tác triển khai dự án giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với UNIDO
Hội nghị toàn thể ISG là một sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NN&PTNT với các đối tác quốc tế để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác và tăng cường điều phối các nguồn lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Cuối hội nghị diễn ra lễ ký Bản cam kết hợp tác triển khai dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL” giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Tổ chức Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO).
NLA (Mard.gov.vn)