Quản lý thị trường phân bón: Chưa đúng hướng

Quản lý phân bón giả, sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 về thuế đối với sản xuất phân bón và tái cơ cấu nền sản xuất phân bón là 3 vấn đề “nóng” tại Hội thảo “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới; định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón” vừa được tổ chức.
Phân bón giả bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ

Chồng chéo, thiếu hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hồng Phong- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Đông  - Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã quy định phân bón là ngành sản xuất có điều kiện nhưng trên thực tế, việc kiểm soát vẫn chưa hiệu quả. Cả nước hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh - doanh phân bón nhưng có tới 10.000 nhãn mác. Vì vậy, thị trường phân bón như “ma trận”, người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm nguồn gốc ở đâu, chất lượng ra sao? Sự phức tạp trên đã tạo kẽ hở cho phân bón giả tồn tại, khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Hạc Thúy – Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam - cho biết thêm: Số phòng phân tích chất lượng phân bón được chỉ định rất hạn chế, gây khó khăn cho công tác kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, phân bón vô cơ như: Lân, đạm, kali, SA, DAP… đã có quy chuẩn quốc gia, DN chỉ cần tuân thủ để công bố hợp quy. Tuy nhiên, các loại phân bón khác: NPK, phân bón hữu cơ chưa có quy chuẩn quốc gia, khiến cho DN không biết công bố sản phẩm hợp quy theo quy chuẩn nào?

Cũng theo ông Thúy, dù Bộ Công Thương đã có văn bản cho phép sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở của DN sản xuất công bố. Thế nhưng, tiêu chuẩn cơ sở như thế nào cũng chưa được hướng dẫn thành tiêu chí.  

Chủ động nguồn phân bón trong nước

Ông Phạm Quang Tuyến – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - cho rằng: Theo Luật số 71/2014/QH13, các sản phẩm phân bón thuộc mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Doanh nghiệp phải chịu thuế đầu vào nhưng không được khấu trừ đầu ra đã tác động lớn đến chi phí sản xuất. Nếu áp dụng Luật, mỗi năm công ty sẽ gánh thêm chi phí khoảng 180 tỷ đồng. Ngoài ra, Luật số 71/2014/QH13 quy định: Phân bón nhập khẩu được giảm 5% tiền thuế GTGT. Như vậy, phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá, nới rộng khoảng cách về giá giữa phân bón công ty sản xuất với phân bón nhập khẩu.

Về phía Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch Hiệp hội - đề xuất: Thứ nhất, tăng cường kiểm tra sản xuất – kinh doanh phân bón. Thứ hai, các loại phân bón vẫn phải nhập khẩu như: DAP, kali, Sunfat amon, DN chủ động nghiên cứu, đầu tư sản xuất, hạn chế nhập khẩu. Ông Dũng cũng đề nghị xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 cho phù hợp với thực tế.

Trước những ý kiến của DN, ông Kiều Đình Thụ- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - nhấn mạnh: Sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 cần được tiến hành ngay vì đây là quy trình mất nhiều thời gian. Để làm việc này, cần có kiến nghị chính thức trình Chính phủ. Từ đó, Chính phủ có cơ sở xem xét và giao cho cơ quan chủ trì.

Thực hiện Luật số 71/2014/QH13, 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao giảm 16%, sản lượng sản xuất giảm 4%, hiệu quả kinh doanh dự kiến giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2014.