Sản xuất cà phê bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu

Sản xuất cà phê bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu
Hiện nay, việc sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận ở Việt Nam không ngừng tăng nhanh về diện tích và sản lượng nhằm từng bước hướng đến một nền sản xuất cà phê theo hướng bền vững, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Minh Huệ, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, cả nước có trên 102.000 hộ gia đình, 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận/xác nhận với tổng diện tích trên 172.417 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 622.706 tấn cà phê nhân trở lên.
 
 
Nông dân thu hoạch càphê. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sản lượng cà phê xác nhận/chứng nhận 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng càphê) đạt 451.271 tấn, UTZ có 135.550 tấn, RFA (rừng nhiệt đới) có 32.885 tấn, FT (thương mại công bằng) có 3.000 tấn. Như vậy, tính đến nay, tổng lượng cà phê có chứng nhận/xác nhận chiếm hơn 30% tổng sản lượng cà phê nhân của cả nước.

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất nước và đây cũng là nơi có tổng lượng cà phê nhân có chứng nhận/xác nhận nhiều nhất, với trên 271.007 tấn, chiếm 43,5% lượng càphê có chứng nhận/xác nhận của cả nước.

Ngay niên vụ cà phê 2011-2012, cà phê có chứng nhận/xác nhận của Đắk Lắk đã chiếm 45% trong tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có các loại hình sản xuất cà phê bền vững như 4C, UTZ Certified, RFA và Fairtrade.

Theo các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê tại Đắk Lắk, mỗi tấn cà phê nhân chứng nhận/xác nhận được các doanh nghiệp thu mua trả thêm từ 30 đến 60 USD/tấn cho cà phê Robusta và 150 đến 180 USD/tấn cho càphê Arabica.

Tại Hội nghị quốc tế về triển vọng ngành hàng càphê 2013 - Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng, tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột, các nhà rang xay cà phê thế giới đã cam kết chuyển sang mua cà phê chứng nhận/xác nhận của Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Kraft Food (Mondelez) - Tập đoàn mua cà phê chứng nhận lớn nhất thế giới cam kết sẽ mua 100% càphê 4C của Việt Nam vào năm 2015...

Cũng theo Thạc sĩ Trần thị Minh Huệ, tham gia vào chương trình sản xuất cà phê bền vững, các nông hộ được tập huấn về Bộ tiêu chuẩn/nguyên tắc của các chứng nhận/xác nhận, chủ yếu là tập huấn về kỹ thuật canh tác bền vững trên vườn cà phê thông qua việc tiết kiệm được chi phí đầu vào như giảm chi phí mua phân bón, tưới nước, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật... nhưng lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích tăng lên.

Cùng với đó, môi trường đất, nước, không khí, môi trường sống của cộng đồng cũng được bảo vệ. Cụ thể, về mặt kinh tế, các nông hộ khi triển khai thực hiện các loại hình cà phê có chứng nhận/xác nhận không những làm gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu, kết nối 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) mà người dân còn được hưởng lợi từ việc nhận giá cộng thêm, giá bán cao hơn, trong khi đó, chi phí đầu tư (đầu vào) lại thấp hơn rất nhiều lần so với trước đây khi chưa thực hiện sản xuất theo chứng nhận/xác nhận....

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của cả nước tiếp tục mở rộng diện tích cà phê chứng nhận/xác nhận để không những gia tăng giá trị sản phẩm càphê nhân xuất khẩu mà còn tăng thu nhập cho các nông hộ, bảo vệ tốt môi trường.

Hiện nay, cả nước có trên 614.500 ha cà phê, trong đó có trên 550.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 1,273 triệu tấn cà phê nhân, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất, kế đến là tỉnh Lâm Đồng.
 
 
 
Theo TTXVN/Vietnam+