Sản xuất sạch “tắc” đầu ra

Sản xuất sạch “tắc” đầu ra
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia sản xuất thực phẩm sạch gặp khó khăn do chính những thói quen tiêu dùng của khách hàng. Những lý do này khiến tương lai của việc sản xuất thực phẩm sạch được ví von giống như “đi đường trời”.

Doanh nghiệp “vạ” lây

Trong đợt khủng hoảng giá sản phẩm chăn nuôi thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có thâm niên trong nghề cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Điển hình như Công ty Thanh Đức trong tháng 4/2017, mặc dù là đơn vị dẫn đầu công nghệ sản xuất trứng gà sạch tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) với số lượng trung bình 78 nghìn trứng/ngày. Tuy nhiên, về vấn đề giá cả, trang trại của Công ty vẫn chịu sự tác động chung của thị trường. 

sản xuất sạch tắc đầu ra\Sản phẩm sạch được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn        Ảnh: Vissanl

  

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Gà đồi Ba Vì, ông Trần Đình Thành cũng than thở, việc chăn nuôi sạch hiện nay của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thói quen tiêu dùng của người dân  vẫn chủ yếu “ham” của rẻ. Những sản phẩm chất lượng cao, giá bán lại cao hơn gấp vài lần so với giá các sản phẩm thông thường, do đó, khó cạnh tranh được với “hàng chợ”. Sản phẩm gà đồi Ba Vì dù đã có thương hiệu trên thị trường nhưng hiện cũng chỉ kết nối được 3 đơn vị đầu mối thu mua theo chuỗi liên kết, còn lại vẫn phân phối tự do trên thị trường nên đầu ra và giá cả không ổn định.  

  

 Người tiêu dùng mơ hồ

Mặc dù một số lượng người tiêu dùng hiện nay có điều kiện và ý thức sử dụng sản phẩm sạch nhưng bên cạnh đó số lượng người còn mơ hồ về sử dụng thực phẩm sạch cũng chiếm số lượng lớn.  

Trong khi đó, tình trạng sử dụng thực phẩm bẩn hiện nay vẫn đang ở mức báo động. Nguyên nhân một phần là do không ít người nông dân chỉ chú ý đến lợi nhuận mà không quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm. Mặt khác, một số người tiêu dùng còn dễ dãi trong chọn mua hàng nên thực phẩm bẩn vẫn tồn tại, hoặc hiểu biết chưa đúng, chưa rõ ràng, không có niềm tin đối với các sản phẩm sạch.  

  

 Chờ tín dụng

 Mong ước sử dụng thực phẩm sạch cũng là điều tất yếu của mỗi người khi thực phẩm “bẩn” đang bủa vây từng bữa ăn của mọi người. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước để tối giản chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh về giá và chất lượng. Mặt khác, cần sự quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng trong cuộc chiến loại bỏ thực phẩm bẩn, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan có nhiệm vụ này. Cần chấm dứt sự chồng chéo trong chức năng quản lý ngành nông nghiệp và cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT. Đồng thời cần tăng cường xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bằng các cửa hàng tiện lợi, với số lượng lên đến hàng chục nghìn chuỗi, phân bố ở khắp các nơi để nhiều người cùng được tham gia. 

Mặc dù việc sản xuất sạch khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng ở khía cạnh nào đó, về mặt lâu dài, nếu doanh nghiệp, cơ sở nào đứng vững được trên thị trường, kiên trì theo đuổi mục tiêu và có chiến lược phát triển thì sẽ tồn tại và phát triển bền vững. Nếu chạy theo lợi nhuận, khi các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào, phân phối sản phẩm chăn nuôi sạch thì các doanh nghiệp làm ăn chộp giật sẽ không “thở” nổi.

 

Nguồn: nguoichannuoi.com