Sản xuất và xuất khẩu gạo trong thời kỳ mới
- Thứ sáu - 02/11/2018 20:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là những thông tin quan trọng tại Hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời kỳ mới” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của hàng trăm diễn giả, nhà quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên cả nước, diễn ra chiều 2-11, tại TP Cần Thơ. Nhiều rào cản phi thuế quan Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và có dư để xuất khẩu. Từ năm 2016 đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kết quả rất tích cực, cả về lượng và giá xuất khẩu cũng như cơ cấu chủng loại. Theo đó, xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,79 triệu tấn, tăng 20,4% so với năm 2016, đạt giá trị 2,62 tỷ USD, tăng 21,2%. Giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 451,9 USD/tấn, tăng 0,7% tương đương 3 USD/tấn so với năm 2016. Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chín tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo, thu về 2,48 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và 23,25 về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Còn VFA cho hay, tính đến ngày 30-9-2018, hợp đồng đăng ký xuất khẩu là 5,705 triệu tấn. Theo nhận định của các chuyên gia, trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, gạo cũng là một mặt hàng nằm trong diện quan tâm đặc biệt của các nước nên hàng rào thương mại phi thuế quan dựng lên rất lớn. Theo Tiến sĩ Đinh Viết Tú, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất với hơn 1,125 triệu tấn, tương đương 580 triệu USD, chiếm hơn 23% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá gạo xuất sang Trung Quốc tăng 15,2%, đạt 515,4 USD/tấn. Kế đến là Indonesia, đạt 775.434 tấn, tăng đột biến gấp 50,2 lần về lượng và tăng gấp 67,1 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái tương đương 361,91 triệu USD, trong chín tháng đầu năm nay. Giá xuất khẩu tăng 33,7%, đạt trung bình 469,4 USD/tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng. Hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm chịu tác động mạnh ở thị trường Trung Quốc. Việc ba doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn bị tạm dừng tư cách xuất khẩu cùng với gần đây là việc Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu một số chủng loại gạo từ 5% lên 50% đã ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo sang thị trường này. “Dự báo chúng ta sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật và các biến thể của chúng từ các nước nhập khẩu. Những rào cản kỹ thuật này không chỉ nhằm bảo đảm nguồn lương thực chất lượng, sạch cho người tiêu dùng mà còn nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu, tránh quá phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Liên kết để phát triển Xuất khẩu gạo đã duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký được các hợp đồng giao cho Bulog với tổng khối lượng 700 nghìn tấn; thị trường Philippines ký được hợp đồng tập trung giao 130 nghìn tấn; thị trường Cuba ký được hợp đồng tập trung và thương mại giao 400 nghìn tấn. Tại thị trường Iraq, Công ty Liên doanh sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo (V.I.P) trúng thầu cung cấp 180 nghìn tấn gạo, hay tại thị trường Hàn Quốc, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long trúng thầu 60 nghìn tấn gạo lứt hạt ngắn và mới đây là gạo jasmine hạt dài cũng góp phần giúp cho xuất khẩu gạo tích cực cả về lượng và giá xuất khẩu. Xuất khẩu đã góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân, thậm chí có thời điểm lo ngại nguồn cung trong nước cạn, Bộ Công Thương đã có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc kỹ tình hình giá lúa gạo trong nước trước khi có quyết định bỏ giá thầu trong đợt Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines mở đấu thầu quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Trường đại học Cần Thơ đánh giá, lúa gạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh lương thực và sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này chiếm đến 60% diện tích sản xuất lúa và 90% sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy vậy, thời gian gần đây, sản xuất lúa gạo kém bền vững vì thu nhập nông dân thấp, chi phí cao, khó kết nối với thị trường, cơ sở hạ tầng hạn chế, dịch bệnh và thiên tai thường xuyên xảy ra. Do tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa dẫn đến áp lực sử dụng đất lúa mang lại hiệu quả ngày càng căng thẳng hơn. Các thách thức ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế, cạnh tranh và tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải thay đổi lớn để vượt qua các thách thức nêu trên và tiến đến sản xuất bền vững. Đó là đòn bẩy quan trọng để hỗ trợ tăng sinh kế cho hơn 1,27 triệu hộ nông dân trồng lúa hiện nay ở vùng này.
Còn theo Tiến sĩ Đinh Viết Tú, thực trạng hiện nay là quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, chính sách về hạn điền và các hạn chế chuyển nhượng đất trồng lúa đã gây khó khăn cho tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất, thu hút đầu tư và nâng cao năng suất lao động trong ngành lúa gạo. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng không đồng đều, không bảo đảm tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm (nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) đang là thách thức lớn; Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam thấp so với doanh nghiệp FDI, trong khi các nguồn lực vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập còn yếu, hạn chế đến quá trình đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Đáng lưu ý, sự tác động của cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, trong đó có Mỹ - Trung Quốc sẽ có thể dẫn đến sự dịch chuyển trong đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản của Việt Nam từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung thế giới có xu hướng tăng và nhu cầu lúa gạo chất lượng thấp giảm, nếu không có những thay đổi kịp thời, có thể sẽ xuất hiện thời điểm ngành lúa gạo sẽ phải gánh chịu hiện tượng tăng trưởng bần cùng hóa khi sản lượng tăng nhưng thu nhập giảm, do chi phí đầu vào tăng và giá bán giảm”, Tiến sĩ Đinh Viết Tú nhận định và đưa ra giải pháp: “Tăng cường việc rà soát và giám sát các khu vực trồng, quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, khắc phục tình trạng sản xuất tràn lan cả diện tích lẫn cây giống; Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt chú trọng việc liên kết Doanh nghiệp-Nông hộ; Doanh nghiệp-Trang trại, Doanh nghiệp-HTX. Bên cạnh đó, cần liên kết chặt chẽ với các Doanh nghiệp liên quan, hiệp hội, các cơ quan của Bộ, Chính phủ để chủ động nguồn nguyên liệu và nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho xuất khẩu”.
| |
Bài và ảnh: BÙI QUỐC DŨNG//http://www.nhandan.com.vn |