UBND tỉnh Nghệ An đã quy hoạch vùng nguyên liệu chanh leo tại huyện Quế Phong 1.500ha. Đến nay, huyện này mới trồng được 283,3ha, chủ yếu ở xã Tri Lễ (hơn 200ha). Mặc dù chỉ mới triển khai được một phần diện tích so với quy hoạch, song mùa vụ năm nay, giá chanh leo đã “lao dốc” từ 8.000-9.000 đồng/kg, xuống còn 4.000 đồng/kg (loại 2).
Nông dân “méo mặt”, nhà quản lý đau đầu, còn doanh nghiệp than khó, cho rằng vì giá thị trường xuống, nên phải hạ giá thu mua. Dù sao, trong cái rủi có cái may, khi thông tin về giá chanh leo “lao dốc” đến sớm, doanh nghiệp và người nông dân sẽ cân nhắc khi phát triển đầu tư trồng cây này.
Trước đó, Nghệ An đã có bài học về quy hoạch, phát triển ồ ạt cây caosu. Sức hấp dẫn của thu nhập từ cây “vàng trắng”, Nghệ An đã quy hoạch phát triển cây caosu giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu đến năm 2015, diện tích caosu toàn tỉnh là 22.663ha và năm 2020 diện tích caosu 23.500ha.
Tuy nhiên, thực tế, đến năm 2015 diện tích caosu toàn tỉnh chỉ có 11.365ha, đạt 50% mục tiêu kế hoạch. Nguyên nhân, do giá caosu nguyên liệu rớt thê thảm, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, người trồng caosu thu nhập rất thấp, thậm chí họ không cạo mủ, vì số mủ bán không đủ trả công. Nhiều vườn caosu bị bỏ mặc, không chăm sóc. Doanh nghiệp và người dân ở thế “bỏ thì thương, vương thì tội”. Khi quy hoạch, phát triển chanh leo, caosu, nhà quản lý chỉ nhìn thấy “màu hồng”, cho đây là những cây có thể làm giàu nhanh chóng. Do đó, đã quy hoạch, triển khai ồ ạt; không tính đến các yếu tố rủi ro, những diễn biến khôn lường từ thị trường.
Thực tế, khi doanh nghiệp muốn đầu tư, và nhà quản lý muốn thu hút, ai cũng chỉ quan tâm đến khía cạnh tích cực của dự án, đề án, mà thường coi nhẹ, thậm chí bỏ qua các yếu tố khó khăn, rủi ro. Trong khi, để đầu tư có kết quả tốt và bền vững, các yếu tố rủi ro, những hạn chế, khó khăn... cần phải được đặc biệt quan tâm, phân tích một cách kỹ lưỡng; tránh thua lỗ, thất bại.