Sau loạt bài “Giá trứng tăng, nông dân vẫn lỗ”: Vẫn là khâu trung gian hưởng lợi
- Thứ năm - 02/05/2013 20:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về việc tăng giá trứng trong thời gian qua, ông Trọng cho rằng:
Người chăn nuôi không được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá trứng gần đây (ảnh minh họa). |
- Giá trứng tăng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trong một thời gian gần 3 tháng đầu năm, người nuôi gà đẻ trứng liên tục lỗ vốn. Theo thống kê của các địa phương, giá trứng gà công nghiệp bán tại các trang trại trong tháng 2 lúc cao nhất là 1.850 đồng/quả, tháng 3 lúc thấp nhất chỉ còn 1.250 đồng/quả…
Với giá thành như trên, người chăn nuôi đã phải chịu lỗ trong suốt thời gian 3 tháng với mức 400 - 500 đồng/quả trứng. Hiện nay, giá trứng cao nhất ở mức 2.100-2.300 đồng/quả. Thực tế, giá bán này người chăn nuôi mới có lãi ở mức rất thấp, bởi giá thành sản xuất đã ở mức 1.800 – 1.900 đồng/quả trứng. Do thời gian lỗ kéo dài, người chăn nuôi đã phá đàn, dẫn tới nguồn cung trứng giảm.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Tôi cũng chăn nuôi gà 27 năm và qua theo dõi thấy quy luật của thị trường cứ năm nay đắt, năm sau lại rẻ. Lúc giống rẻ thì không ai nuôi, lúc giống đắt thì người dân lại thi nhau nhập giống về nuôi… Do đó, giải pháp tốt nhất là cần phải có quy hoạch chăn nuôi trên toàn quốc và từng tỉnh cần có quy hoạch riêng chứ không để chăn nuôi theo phong trào, theo mùa vụ như hiện nay sẽ rất bị động theo cơ chế thị trường”.
Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng giá trứng tăng còn do các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường dùng các thủ đoạn “thổi” giá?
- Trứng không phải là mặt hàng bình ổn, nên giá tăng hay giảm là do yếu tố cung -cầu của nền kinh tế thị trường quyết định. Khi cầu của thị trường tăng, cung giảm thì chắc chắn giá sẽ tăng. Đối với doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, khi giá trứng tăng họ được lãi nhiều, nhưng khi giảm thì họ cũng phải chịu lỗ nhiều.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta sản xuất khoảng 7 triệu quả trứng gia cầm, trong đó lượng trứng do người dân sản xuất ra cũng rất lớn, nên không có ai đủ khả năng “thổi” giá được. Tuy nhiên, hiện giá trứng từ người chăn nuôi tới người tiêu dùng còn quá chênh lệch, do có quá nhiều khâu trung gian khác nhau nên dù giá trứng có tăng nhưng người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi nhiều.
Theo phản ánh của một số trang trại, hiện giá gà giống đã tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2012, lên tới 19.000 đồng/con, trong khi chúng ta lại phụ thuộc 90% giống gà từ các công ty ngoại. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Việc so sánh giá không thể căn cứ vào giá gà giống của năm 2012 vì thời điểm đó người chăn nuôi gà giống đang thua lỗ nặng. Để tính toán đối với người chăn nuôi gà giống phải căn cứ vào giá thức ăn, một con gà giống phải cao hơn giá 1kg thức ăn thì mới có lợi nhuận.
Hiện giá thức ăn hỗn hợp thấp nhất 11.000 đồng, nhưng lúc cao nhất là 13.000 đồng/kg. Nếu bán con giống 14.000 - 15.000 đồng/con là có lãi. Tất nhiên, với giá là 19.000 đồng/con là hơi cao. Theo tôi, trong điều kiện như thế này, doanh nghiệp nào có nhiều sản phẩm thì sẽ có điều kiện chi phối hơn, nhưng cũng không thể khẳng định họ có chi phối thị trường hay không.
Tôi cũng xin nhấn mạnh, việc 3 doanh nghiệp FDI (C.P Việt Nam, Japfa và Emivest) chiếm lĩnh 90% gà giống là chỉ riêng loại gà công nghiệp nuôi để đẻ trứng chứ không phải chiếm tới 90% gà giống của nước ta. Theo thống kê, hiện các công ty này chiếm lĩnh phần lớn nguồn giống gà trắng công nghiệp và gà siêu trứng.
Còn lại, 39 đơn vị ở nước ta nuôi giống gốc đều không nuôi gà giống dùng để sản xuất trứng công nghiệp. Đối với gà ta, gà lông màu thả vườn chủ yếu là do người dân tự sản xuất giống, số lượng này hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể. Song cũng cần phải nói, khi đã khan hiếm sản phẩm, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tăng giá, nhưng tăng ở mức nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Hiện có một thực tế là các doanh nghiệp nội rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm? Theo ông, đâu là những nguyên nhân?
- Phải thừa nhận, dù Chính phủ đã có chỉ đạo gói hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi với mức 11%, nhưng cũng không phải trang trại nào cũng tiếp xúc được. Trong khi đó, với doanh nghiệp nước ngoài lãi suất phải trả chỉ có 3% năm. Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài chăn nuôi theo quy mô lớn, công tác thú y được đảm bảo, con giống cũng theo quy chuẩn; trong khi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ của người dân cũng có đủ các loại giống khác nhau và hoàn toàn bị động, không có kế hoạch lâu dài…
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
theo danviet