Sẽ chấm dứt sản xuất tự cung, tự cấp
- Thứ năm - 02/01/2014 19:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Có thể nói năm 2013 là năm ngành nông nghiệp bộc lộ gần như tất cả những khó khăn, hạn chế sau một thời gian dài tăng trưởng liên tục cả về khối lượng sản xuất cũng như giá trị xuất khẩu.
Các khó khăn, hạn chế này biểu hiện rõ nét ở một số điểm như chất lượng nông sản còn thấp, giá cả không ổn định, bấp bênh, nhiều ngành có biểu hiện kiệt sức như lúa gạo, cà phê… sau một thời gian quá dài bị tập trung vào khai thác năng suất, thời vụ. Chính vì thế, để triển khai sản xuất nông nghiệp, Bộ NNPTNT cho biết nhiệm vụ chính của năm nay là ưu tiên tổ chức lại tái cơ cấu ngành, tổ chức lại sản xuất.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Khi triển khai tái cơ cấu, có đồng chí hỏi tôi, điều gì là căn bản nhất để triển khai thực hiện được chủ trương này? Tôi cho rằng, điều căn bản nhất là sự thay đổi về cách tiếp cận, nếu không muốn nói là nhận thức. Đó là, chúng ta thay đổi tư duy của một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp hay một nền sản xuất nông nghiệp cái gì cũng có sang một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả và giá trị cao”.
Theo ông Phát, ngay cả các địa phương ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc cũng đã đến lúc chúng ta phải tìm cách để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của tự cung, tự cấp. Bởi thực tế, nhiều nơi dù đã có cái ăn, đã no cái bụng, nhưng vẫn nghèo do không có tiền để tiêu. Có những nơi làm lương thực rất đắt, đầu tư tới 500 triệu đồng mới sản xuất được 1ha lúa, chúng ta không cần làm điều này nữa, mà chúng ta có thể giúp bà con chuyển đổi sang cây con khác để bán lấy tiền mua gạo.
“Tôi đề nghị tất cả các địa phương, những nơi nào còn sản xuất tự cung, tự cấp cần phải tìm cách phá bỏ cái vòng luẩn quẩn đó và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Còn những nơi nào đã sản xuất hàng hóa, nhưng còn manh mún theo kiểu “hàng xén”, thì phải tập trung lại rà soát, tập trung lại để sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao”.
Sản xuất không quan trọng về số lượng
Trong những năm qua, sản lượng lúa gạo nước ta luôn là mối quan tâm hàng đầu mỗi khi nói đến thành tích của ngành nông nghiệp. Năm 2013, sản lượng lúa gạo cũng đạt mức kỷ lục với 44,1 triệu tấn. Song bước sang năm 2014, lần đầu tiên Bộ NNPTNT chủ động điều chỉnh giảm nhẹ sản lượng lúa xuống còn 43,4 triệu tấn bằng việc sẽ thực hiện cắt giảm tới 130.000ha lúa phục vụ chuyển đổi sang những cây trồng khác, nhất là ngô vốn nhu cầu trong nước còn đang thiếu.
Đồng thời, mở rộng diện tích cây ngô lên 1,23 triệu ha (tăng 73.000ha so với năm 2013), phấn đấu đạt sản lượng 5,6 triệu tấn ngô để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp và chế biến thức ăn chăn nuôi.
Giải thích cho vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Tuy tư duy mới của chúng ta là phải sản xuất theo định hướng, vấn đề bây giờ không phải là số lượng. Nếu trước đây, chúng ta đã làm nhiều về số lượng để bán được nhiều tiền hơn, nhưng giờ nhìn lại thì thấy ngược lại, dù làm nhiều về số lượng nhưng lại bán được ít tiền hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải quay sang hướng làm với khối lượng vừa phải, song vẫn giúp người nông dân có lãi hơn, nên số lượng ở đây không còn quan trọng nữa”.
Việc tổ chức lại sản xuất cũng sẽ được ngành nông nghiệp cả nước ưu tiên triển khai trong năm nay bằng các hình thức như: Mở rộng liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn từ 200.000-250.000ha; sử dụng các giống cây trồng thích hợp với các thị trường quốc tế; gắn kết doanh nghiệp với nông dân tiêu thụ lúa gạo. Theo Bộ NNPTNT, trước tiên sẽ ưu tiên tập trung thực hiện tổ chức lại sản xuất ở vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Phát cho biết, cá nhân ông rất tán đồng việc chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, trồng đỗ tương. Tuy nhiên, quyền trồng cây gì là do nhân dân, chúng ta không thể bảo nông dân hay trồng ngô hay trồng lúa để được ít tiền hơn. Trách nhiệm của chúng ta là phải đưa cho nhân dân giống và kỹ thuật để nhân dân trồng ngô và đỗ tương có lãi hơn trồng các cây khác trên mảnh đất đó. Vì thế các cơ quan nghiên cứu của Bộ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để chọn loại giống, mặt khác sẽ mở cửa cho các công ty quốc tế đưa các giống tốt vào Việt Nam”.
2 triệu hộ nông dân đã bỏ chăn nuôi |