Tạm trữ lúa gạo: Nông dân phải được hưởng lợi đầu tiên

Tạm trữ lúa gạo: Nông dân phải được hưởng lợi đầu tiên
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo tuy góp phần tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường, giúp nông dân tiêu thụ được lúa nhanh hơn với giá ổn định, giảm bớt thiệt hại khi vào vụ thu hoạch rộ nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập bởi lợi nhuận phần lớn rơi vào tay thương lái. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế thu mua tạm trữ hợp lý.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịchHiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định: Mục tiêu của VFA là mua lúa cho nông dân với giá không dưới 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, doanh nghiệp thu mua tạm trữ phần lớn không trực tiếp mua lúa từ nông dân mà chủ yếu qua thương lái và giá lúa thương lái đến mua đương nhiên thấp hơn giá niêm yết tại doanh nghiệp. Như vậy, mục tiêu để nông dân có lợi nhuận tối thiểu 30% đã được “san sẻ” cho thương lái, nông dân chỉ có cái lợi là bán được lúa nhanh chóng”.


Chị Nguyễn Thị Cưng ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có hơn 1ha trồng lúa cho biết: “Năm nào tới mùa tôi cũng bán lúa tươi tại ruộng, còn năm nay giá “bèo” quá, tôi phải phơi khô trữ lại chờ giá. Nghe nói Nhà nước mua tạm trữ, giá sẽ tăng nhưng đợi từ trước Tết đến giờ mà giá cũng không cải thiện được nhiều. Tôi cần vốn để xoay xở cho vụ hè thu mà không có, còn bán lúa giá thấp thì lại lỗ”.


Anh Trần Văn Thái ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng bức xúc không kém: “Mọi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công gặt lúa đều tăng mà giá lúa cứ èo uột kiểu này thì nông dân tụi tui khổ lắm, mỗi công chỉ lời vài trăm ngàn, thậm chí có người chịu lỗ. Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp thu mua tạm trữ nhưng tôi đâu biết công ty nào mua, chỉ thấy mấy bạn hàng xáo (thương lái) tới mua thì bán cho họ thôi”.


Trước khó khăn về giá, theo thông tin từ thương lái, hiện các kho của doanh nghiệp không “ăn mạnh” nữa nên giá lúa có phần chững lại. Anh Nguyễn Văn Hợp, thương lái mua lúa tại Đồng Tháp, cho biết: “Giá lúa tươi IR 50404 mua tại ruộng giá 4.500 đồng/kg, lúa hạt dài như OM4900 giá 4.700 đồng/kg. Mỗi ngày ghe của tôi mua 30 - 40 tấn. Mấy ngày nay, doanh nghiệp ít “ăn” lúa nên giá có phần chững lại, chưa có hợp đồng nào mới với lại không biết giá cả có đột biến hay không nên tôi chưa dám mạnh tay thu mua”.


Ngay từ khi bắt đầu triển khai chính sách thu mua tạm trữ, chính quyền các địa phương đã có ý kiến đóng góp về giá thành sản xuất lúa mà Bộ Tài chính công bố là chưa hợp lý và đề nghị nâng mức giá thu mua cho nông dân nhưng đến thời điểm này, khi mà thời hạn thu mua tạm trữ đã đi được hơn một nửa chặng đường, giá lúa cũng chỉ tăng 200 - 300 đồng/kg.


Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tiêu thụ lúa đông xuân cho người dân. Theo đó, để đảm bảo nông dân có lãi từ việc sản xuất lúa vụ đông xuân một cách hợp lý, đủ trang trải chi phí và có tích lũy đầu tư cho các vụ tiếp theo, đồng thời tránh việc thương lái ép giá khi vào vụ thu hoạch rộ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ giá tiêu thụ lúa hàng hóa, trong đó có quy định giá sàn thu mua lúa tạm trữ đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30%, đồng thời ưu tiên phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa ở các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn.


Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Cơ chế thu mua tạm trữ cần có sự thay đổi phù hợp để mang đến kết quả khả quan hơn cho những lần thực hiện tiếp theo, sắp tới cần phải có cơ chế thẩm định để phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp mua tạm trữ một cách rõ ràng, công khai. Có sự minh bạch thông tin về chỉ tiêu thu mua lúa, gạo của từng doanh nghiệp thì chính quyền địa phương mới nắm được để dễ dàng quản lý. Tôi đề nghị vấn đề này cần có sự gắn kết hài hòa giữa hiệp hội và chính quyền địa phương”.


Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, trong vụ đông xuân 2012-2013, tỉnh Đồng Tháp được phân bổ 6 doanh nghiệp thu mua tạm trữ với chỉ tiêu thu mua 58.000 tấn, ít hơn vụ đông xuân 2011-2012 là 25.000 tấn, chưa tương xứng với sản lượng lúa hàng hóa của tỉnh. Chính phủ nên sớm ban hành cơ chế thu mua lúa gạo tạm trữ để các địa phương chủ động ngay từ đầu vụ, tránh tình trạng nông dân bị thiệt thòi khi đến vụ thu hoạch rộ, giá xuống thấp mới bắt đầu mua tạm trữ.


Những hạn chế của chính sách thu mua lúa tạm trữ đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục dù có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị xung quanh vấn đề này. Quyền lợi của nông dân, lực lượng đảm bảo an ninh lương thực, những người làm nên tiếng vang cho ngành xuất khẩu gạo của cả nước vẫn bị lãng quên khi bản thân không thể bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp với giá cao và ổn định. Việc ban hành một chính sách mới vì nông dân rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải phù hợp và được triển khai một cách nghiêm túc, công bằng.

Nguyệt Ánh
Nguồn:kinhtenonghtn.com.vn