Tận dụng thời cơ cuối năm để xuất khẩu thủy sản dật 9 tỷ USD
- Chủ nhật - 18/11/2018 22:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc về thị trường trong những tháng cuối năm, XK thủy sản 2018 có thể đạt 9 tỷ USD.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong tháng 10, XK thủy sản đạt 880 triệu USD, đưa tổng giá trị XK thủy sản trong 10 tháng đầu năm lên 7,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017.
Chế biến tôm XK (ảnh Lê Hoàng Vũ) |
Đa số các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng về giá trị XK. Trong đó, mặt hàng cá tra tăng trưởng ấn tượng nhất, ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm ngoái. Mặt hàng cá ngừ, do nguồn cung giảm đã khiến giá trị XK cá ngừ của Việt Nam tăng lên trong thời gian gần đây. Trong tháng 10/2018, xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh đến 16% và đạt gần 67 triệu USD, đưa kết quả 10 tháng qua đạt 541 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cá khác đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8,5%. Nhuyễn thể đạt 619 triệu USD, tăng 2,3% so với năm ngoái. Chỉ riêng mặt hàng tôm sụt giảm so với năm ngoái khi mới đạt 2,96 tỷ USD, giảm 5,8%.
Cá tra đã vượt kỷ lục 2017 Đến hết tháng 10, XK cá tra đã đạt 1,82 tỷ USD. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra đã vượt qua giá trị XK kỷ lục của cả năm 2017 (1,78 tỷ USD). Đầu tháng 11, do nguồn cung khan hiếm, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng lên. Theo Bộ Công Thương, ngày 8/11, giá cá tra thịt trắng mua tại ao từ 35.000-36.000 đ/kg (cá từ 0,8-1 kg/con), cá tra thịt hồng 34.500-35.300 đ/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu đang cao hơn 8.500-9.000 đ/kg. |
Trong những tháng còn lại của năm, triển vọng XK thủy sản khá sáng sủa. Kết thúc quý 3 cũng là thời điểm các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu phục vụ cho dịp lễ, tết ở các thị trường nhập khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm. Trước hết là tại thị trường Mỹ. Theo VASEP, Kết quả sơ bộ thuế CBPG của POR14 (giai đoạn từ 1/8/2016-31/7/2017) mà Bộ Thương mại Mỹ công bố thấp hơn nhiều so với POR13 và việc Cục Kiểm tra ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện XK sang thị trường Mỹ, sẽ tiếp tục tác động tích cực đến XK cá tra sang nước này nói riêng và XK cá tra nói chung trong những tháng còn lại của năm nay.
Không chỉ riêng thị trường Mỹ có xu hướng tăng trưởng mạnh, mà XK cá tra sang EU cũng đang bắt đầu tăng dần trở lại kể từ tháng 6 đến nay. Trong mười tháng năm 2018, tổng giá trị XK cá tra sang EU đạt trên 197 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng dương này được dự báo còn tiếp tục kéo dài cho tới hết năm 2018.
Một số doanh nhân ngành hàng cá tra cho rằng từ nay đến hết năm, giá XK cá tra vẫn sẽ duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu. Dự báo XK cá tra sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm và sẽ cán đích với mức 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Đối với mặt hàng tôm XK, sau 3 tháng giảm mạnh (giá trị XK tôm tháng 7 giảm 20% so cùng kỳ 2017; tháng 8 giảm 174%; tháng 9 giảm 14,8%), XK trong tháng 10 đã khả quan hơn khi chỉ còn giảm 4,7% so với tháng 10/2017 và đạt 401 triệu USD.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ cùng với đợt cao điểm tiêu thụ tôm ở các thị trường khác, XK tôm Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường XK. Do vậy, dù nhu cầu có tăng vào những tháng cuối năm nhưng với xu hướng hiện nay, XK tôm cả năm 2018 khó tăng trưởng mạnh, chỉ có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD.
Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu khác như mực, bạch tuộc, cá biển... cũng được dự báo có mức tăng trưởng khá trong năm 2018, đạt khoảng 670 triệu USD mỗi sản phẩm, tăng 10% so với năm 2017.
Những số liệu trên cho thấy với mức tăng trưởng hiện nay cùng với những yếu tố thuận lợi từ thị trường, dự báo XK thủy sản quý 4 sẽ đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD. Theo đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ cán đích năm 2018 với doanh số xuất khẩu 9 tỷ USD, tăng 7% so năm 2017.
Sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2019 Theo ông Trương Đình Hòe, kết thúc năm 2018, thủy sản Việt Nam có thể hy vọng về những khởi đầu thuận lợi cho kế hoạch XK năm 2019 tại các thị trường quan trọng. Trước hết là việc Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019. Hiện EU đang là thị trường NK thủy sản lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 18% giá trị XK thủy sản nước ta. Thị trường này có khả năng tăng trưởng tiêu thụ mạnh, đặc biệt là mặt hàng tôm khi được ưu đãi thuế quan nhờ EVFTA. Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố các mức thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra NK từ Việt Nam giảm so với trước đó, cùng với việc Cục Kiểm tra ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận Việt Nam đủ điều XK cá và sản phẩm cá họ Silurifomes (trong đó có cá tra, basa) sang Mỹ theo Chương trình thanh tra cá da trơn, cũng là những điểm thuận lợi cho thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2019. Việt Nam đang tích cực giải quyết các vấn đề của thẻ vàng IUU. Tháng 10 vừa qua, Ủy ban Nghề cá thuộc Nghị viện Châu Âu, sau khi đị thực tế một số địa phương ở Việt Nam, đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU. Điều này sẽ giúp cho XK hải sản có thể hồi phục nhanh trong năm 2019. Bên cạnh đó, một số thị trường như Hàn Quốc, ASEAN ... sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019 một cách ổn định từ các kết quả gần đây với sự hỗ trợ tích cực của các hiệp định thương mại. Từ những yếu tố trên, có cơ sở để dự báo năm 2019 XK thủy sản Việt Nam sẽ cán địch 10 Tỷ USD cùng với mục tiêu nâng cao tính bền vững và chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị. |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ nay đến cuối năm 2018, XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ: Nhu cầu NK thủy sản tăng do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng. XK tôm và cá tra, basa Việt Nam sẽ gặp thuận lợi hơn các tháng đầu năm 2018 nhờ thuế chống bán phá giá sang Mỹ giảm mạnh; Mỹ nâng thuế NK thủy sản từ Trung Quốc cũng sẽ tạo cơ hội đối với một số mặt hàng thủy sản XK của Việt Nam. Trong thời gian tới, XK thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn duy trì được những lợi thế cạnh tranh nhất định như: XK thủy sản của Thái Lan và Ấn Độ sang EU đang gặp vấn đề về đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của EU; Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu vào thị trường này... EU hiện đang chiếm khoảng 28% tổng giá trị NK tôm toàn thế giới. Mỗi năm, EU NK tôm với giá trị từ 6-8 tỷ USD. XK thủy sản sang thị trường Nhật Bản được cải thiện khi tốc độ tăng trưởng tháng 10/2018 so với tháng 10/2017 cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của 10 tháng năm 2018 so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản sẽ khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2018. |