Tận thu cau non, tiểu thương ôm "quả đắng" vì thương lái Trung Quốc
- Thứ bảy - 07/10/2017 05:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ giữa tháng 9/2017, khi giá cau ở các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi dao động ở mức 14.000 đến 18.000 đồng/kg, thì tại huyện Sơn Tây giá cau bị đẩy lên mức kỷ lục 25.000 đồng/kg. Nguyên nhân do tiểu thương tranh nhau mua gom cả cau non lẫn cau già về sấy khô xuất bán sang Trung Quốc.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm nhiều người rơi vào tình cảnh lao đao, khốn khổ chỉ vì thương lái Trung Quốc từ chối thu mua cau non, hàng trả về phải đổ bỏ.
Chị Nguyễn Thị Dung - một tiểu thương ở thôn Tang Via (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây), cho biết: thương lái ồ ạt thu gom cau xuất sang Trung Quốc với số lượng lớn nên giá cau sốt từng ngày. Từ 20.0000 đồng/kg đã tăng vọt lên 25.000 - 26.000 đồng/kg chỉ sau vài ngày. Do đó, các chủ lò sấy phải thu mua cả cau non lẫn cau già để sấy đáp ứng nhu cầu xuất cau sang Trung Quốc.
Những tưởng đây là cơ hội làm ăn hiếm có, thế nhưng trong những ngày đầu tháng 10/2017, thương lái mua cau xuất sang Trung Quốc đột ngột giảm giá xuống còn 18.000 đồng/kg, sau đó thì ngừng thu mua cau non.
“Chỉ sau một đêm tôi lỗ mấy chục triệu. Ba tấn cau xuất đi bị trả về 800 kg cau non phải đổ bỏ. Số cau đủ chuẩn cũng bị hạ giá khiến tôi lỗ 6.000 đồng/kg”, chị Dung than thở.
Mất ăn, mất ngủ, buồn hiu khi nghĩ đến việc bị lỗ hơn 40 triệu đồng vì xe cau vừa bị trả về, tiểu thương tên Hưng ở thôn Huy Măng (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây), giãi bày: thực tế cau non không có giá trị sử dụng vì khi sấy sẽ bị teo tóp, lâu nay Trung Quốc cũng không nhập loại cau này. Tuy nhiên do giá cau tăng cao quá nên mọi người mới mua ồ ạt để kiếm lời.
“Giá cau sốt quá nên thương lái xuất cau sang Trung Quốc cũng chấp nhận mua cau non, thấy thế nên có bao nhiêu cau non tôi cũng mua hết. Ai ngờ họ đột ngột dừng thu mua khiến mình ôm quả đắng”, anh Hưng chia sẻ.
Theo chủ lò cau này, sau khi thu mua cau sẽ được sấy trong thời gian 5 ngày đêm. 4 kg cau tươi sau khi sấy được 1 kg cau khô. Cau khô được dồn bao rồi xuất bán cho thương lái Trung Quốc.
“Mọi năm, cau xuất sang Trung Quốc phải đạt chất lượng, chưa có hạt, không non cũng không già. Không hiểu sao năm nay họ mua cả cau non nên không chỉ tôi mà hầu hết các chủ lò sấy đều bị lừa”, anh Hưng phân trần.