Tăng chất vốn cho tam nông

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Xây nền móng vững chắc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011 - 2015, nguồn lực cho nông nghiệp được huy động khá hơn với tổng vốn nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (NNNT) tăng gần gấp hai lần so với 5 năm trước, đạt trên 610.000 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn lớn tiếp sức, ngành nông nghiệp đã có những bước tiến đáng kể, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trước sức ép của nông sản nhập ngoại.

Cùng với đó, chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã có những thành công khi thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyển hướng tham gia tập trung đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra những chuỗi sản xuất khép kín có ứng dụng công nghệ cao. Về phía nông dân, những “va đập” của thị trường trong thời gian qua cũng đã thay đổi nhận thức của nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất “cái thị trường cần chứ không phải cái mình có”.

Agribank luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn đầu tư giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh

Trong bối cảnh đó, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nguồn vốn NH là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành này. Và các NH tiếp tục đóng vai trò như một “bà đỡ” đón đầu và khơi nguồn để đất đai, đồng bãi, chuồng trại, ao đầm… “đẻ” ra tiền. Trước tiềm năng lớn từ thị trường này, nhiều NHTM chuyển hướng tín dụng vào NNNT ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khai phá và trụ vững được ở thị trường nông thôn không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi công nghệ, mạng lưới, nhân lực, mà còn cả kinh nghiệm.

Không giống như nhiều NH khác, chỉ tập trung phần lớn tín dụng nông nghiệp cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư lớn, Agribank phát triển mạng lưới chân rết đến từng thôn, bản tại các vùng nông thôn hẻo lánh nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn của nông dân và duy trì vị thế là người tiên phong cấp tín dụng cho NNNT ở Việt Nam.

Dù ở đồng bằng hay vùng núi xa xôi hẻo lánh thì các cán bộ tín dụng Agribank đều bám chặt tại các địa bàn, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân nên tăng trưởng huy động và cho vay của Agribank đều tốt. Đây là điều mà không dễ đối với nhiều NH mới thâm nhập thị trường khó đủ lực bám trụ

Lãnh đạo Agribank cho biết, xác định rõ vai trò cho vay vốn góp phần quan trọng tạo công ăn, việc làm mới cho nông dân, Agribank đã không ngừng đổi mới và phát triển các loại hình dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhất là luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tăng mức sống.

“Thông qua các tổ chức chính trị, xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tổ nhóm vay vốn...), Agribank tạo lập kênh dẫn vốn đến với nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiệu quả, nâng cao năng suất lao động. Các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả.

Hàng năm có hàng triệu lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện, tạo lập hàng triệu việc làm, thoát nghèo và làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó vừa nâng cao thu nhập, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đánh giá cao vai trò của Agribank.

Ngoài ra, Agribank còn phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác và thực hiện cho vay đối với các đơn vị đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực NNNT gắn với bán chéo các sản phẩm dịch vụ NH.

Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách hiệu quả, đến cuối năm 2016, tổng dư nợ NH đạt trên 735.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó tỷ lệ cho vay NNNT luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành NH đầu tư cho lĩnh vực này.

Góp sức cho một nền nông nghiệp an toàn

Ngoài việc tiếp tục tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ, NHNN thúc đẩy phát triển khu vực tam nông, Agribank nhận thức rất rõ những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đầu ra cho nông sản Việt là “bài toán” sống còn.

Chính vì vậy, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và NHNN có Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể.

Đó là ban hành văn bản số 4432-NHNo-KHND về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Đáng chú ý, Agribank đã dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai cho vay nông sản sạch với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.

Trên thực tế, không phải đến khi Chính phủ, NHNN kêu gọi thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch, mà Agribank đã chủ động triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa  doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, để triển khai thành công mô hình này trong tương lai, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể các chương trình này. Các cấp chính quyền, nhất là chính quyền địa phương có sự hỗ trợ trong việc kết nối NH với doanh nghiệp và người dân.

Khi chia sẻ về định hướng kinh doanh trong giai đoạn tới, lãnh đạo Agribank cho biết, NH vẫn kiên định với mục tiêu đầu tư cho tam nông, và coi “nông nghiệp công nghệ cao” là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ.

Vì thế, Agribank xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho tam nông thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…

Đồng thời, Agribank còn đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn như: cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất; kinh doanh quy mô nhỏ…

Trong đề án tái cơ cấu, Agribank cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “NH lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.

Agribank trao tặng nhà đại đoàn kết ở huyện Gia Lâm

Agribank chi nhánh Gia Lâm vừa phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Lâm bàn giao nhà đại đoàn kết cho gia đình chị Hoàng Thị Vân Anh tại xóm 1 xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Được biết, gia đình chị Hoàng Thị Vân Anh là một trong những hộ khó khăn nhất xã và số tiền 40 triệu đồng tuy không lớn nhưng là một nguồn động lực đáng kể để gia đình chị quyết tâm xây một ngôi nhà mới vững chắc, từ đó yên tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo trong những năm về sau.

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao nhà mới, chị Vân Anh không giấu được xúc động, và cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo, cán bộ nhân viên Agribank chi nhánh Gia Lâm. Nằm trong chuỗi hoạt động từ thiện hướng về những gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Gia Lâm, qua sự kết nối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Gia Lâm, trong năm 2016 Agribank chi nhánh Gia Lâm đã quyên góp xây 2 nhà đại đoàn kết với số tiền 80 triệu đồng tại xã Kim Lan và xã Văn Đức.

Ngoài khoản đóng góp ủng hộ xây 2 nhà đại đoàn kết, trong năm 2016 Agribank chi nhánh Gia Lâm còn ủng hộ 600 triệu đồng cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa huyện Gia Lâm.

VC