Tăng giá xăng, điện: Doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng thêm khó

VOV.VN -Phản ứng từ doanh nghiệp, người dân đều cho thấy, khi giá xăng và điện tăng càng gây thêm khó khăn cho họ.

Từ hôm nay (16/3) giá điện bán lẻ bình quân tăng 7,5%, lên mức 1.622 đồng/kwh. Trước đó, giá xăng cũng được điều chỉnh tăng thêm 1.600 đồng/lít. Việc cùng lúc tăng giá xăng, dầu, điện khiến các doanh nghiệp đứng trước áp lực tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là các đơn vị sản xuất – kinh doanh tiêu dùng điện lớn. Trong khi đó, một mối lo khác là tác động kép này có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể sẽ tăng trở lại.

Đợt tăng giá điện lần này khiến doanh nghiệp sản xuất thép sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trong bối cảnh giá thép trong nước ngày càng giảm theo thế giới, thị trường cạnh tranh gay gắt bởi cung đã vượt cầu tới 50%.


Giá điện chiếm đến 30% giá thành sản xuất thép (Ảnh minh họa: KT)

 

Đại diện Công ty Thép Pomina cho biết, hiện giá điện chiếm đến 30% giá thành sản xuất. Giá điện tăng lên 7,5% khiến công ty này phát sinh thêm khoảng 2,5 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Trong khi đó, công ty chủ yếu làm hàng xuất khẩu. Khi giá điện tăng lên như vậy cũng khó mà tăng giá xuất khẩu được, vì khách hàng không chấp nhận. Đây là bài toán rất khó đối với doanh nghiệp.

Cùng mối lo lắng này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh, cho biết, hiện chi phí cho tiền điện một tháng của công ty khoảng hơn 1,5 tỷ đồng. Giá điện tăng ở mức bình quân 7,5%, công ty sẽ phải trả thêm hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, làm tăng giá thành sản xuất. Doanh nghiệp không mong muốn điều này. Bởi không chỉ điện tăng mà nhiều thứ khác kèm theo tăng lên.”

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp phải lên kế hoạch ứng phó với tăng giá điện, xăng dầu nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động đến chi phí giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, để giảm tiêu hao năng lượng.

Ông Đàm Quang Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hà,  cho biết: “Doanh nghiệp phải tìm giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất. Đầu tư công nghệ mới sử dụng năng lượng ít hơn, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, năng lượng. Về mặt kỹ thuật có khá nhiều giải pháp như sử dụng động cơ đúng công suất theo yêu cầu. Hoặc khi dùng chiếu sáng hay làm mát cho hoạt động sản xuất thì sẽ sử dụng đúng vị trí không làm lãng phí. Đồng thời, cân đối các khung giờ để sắp xếp khung giờ sản xuất hợp lý hơn.”

Còn với các công ty làm hàng gia công xuất khẩu đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, giá xuất khẩu lại giảm phải tìm cách nâng cao năng suất lao động, thay đổi phương thức sản xuất, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào tăng.

Theo ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần May Đáp Cầu, “so với năm ngoái giá xuất khẩu giảm từ 10-20%, số lượng đơn hàng lại ít hơn. Trong khi tăng giá điện, xăng dầu… làm tăng 10-15% chi phí sản xuất. Khi điện, xăng tăng cũng kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng theo, các nhà cung cấp bao bì, phụ liệu, vật tư… mỗi thứ sẽ nhích lên. Trước tình hình này, phải tiết kiệm hết mức chi phí, cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại; Đào tạo nhân lực nâng cao tay nghề nâng cao năng suất lao động. Phát triển thêm hàng FOB, ODM để sản phẩm có giá trị cao hơn so với hàng gia công trước đây.”

Theo Tổng cục Thống kê, với việc điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,46%. Trong khi đó, dự báo nếu giá xăng tăng khoảng 5% sẽ trực tiếp làm CPI tháng 4 tăng thêm 0,2% và gián tiếp làm CPI 2 tháng tiếp theo tăng thêm 0,48%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng và giá điện tăng cùng thời điểm không chỉ ảnh hưởng lớn đến khối sản xuất mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt giá cả nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, khi giá xăng, giá điện tăng - gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân./.

Việt Hà/VOV - Trung tâm Tin