Tây Nguyên đối diện với vụ càphê buồn

Tây Nguyên đối diện với vụ càphê buồn
Các tỉnh Tây Nguyên sắp bước vào thu hoạch rộ càphê niên vụ 2012 - 2013. Tuy nhiên, nông dân không vui vì nguy cơ phải đối diện với mất mùa và mất giá.

Nông dân Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch cà phê mới với tâm trạng không vui bởi cà phê mất mùa, mất giá.

Mất mùa…

Khác với mọi năm, ngay từ cuối niên vụ 2011-2012, Tây Nguyên đã xuất hiện mưa phùn rải rác khiến hoa càphê nở sớm trong khi đang ở vụ thu hoạch. Những đợt hoa ra sớm hầu như rụng hết, không đậu quả, đồng thời làm cho càphê suy yếu nên những đợt ra hoa sau số lượng không nhiều. Điều này manh nha dự báo niên vụ càphê 2012-2013 sẽ “kém vui”.

Thời gian qua, thời tiết ở Tây Nguyên diễn biến thất thường (đêm có mưa rải rác, ngày nắng gián đoạn, có nơi mưa vừa đến mưa to), tạo điều kiện cho sâu bệnh xuất hiện gây hại càphê. Tại Đắk Lắk, rệp sáp hại chùm hoa, quả non với tỷ lệ từ 8- 25%; bệnh rệp sáp xanh, mọt đục cành, rỉ sắt, khô cành… gây hại rải rác trên phạm vi toàn tỉnh.

Tại Lâm Đồng, đến thời điểm này, tình hình sâu bệnh cũng đang diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, phần lớn diện tích càphê ở Tây Nguyên đều đã thoái hóa, tuổi đời từ 20 - 30 năm nên sản lượng, năng suất đang có dấu hiệu giảm dần theo từng vụ… Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện diện tích càphê già cỗi trên địa bàn lên tới 100.000ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích càphê của cả nước. Do phần lớn diện tích càphê ở Tây Nguyên đã và đang bước vào thời kỳ “lão hóa”, trong khi giá hồ tiêu ngày một tăng cao nên ở nhiều nơi, nông dân phá bỏ càphê để trồng hồ tiêu. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng càphê của khu vực trong niên vụ 2012-2013 và các niên vụ tiếp theo.

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk) cho biết, để phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng càphê, Sở đang thực hiện Đề án phát triển càphê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng; trong đó vận động người dân thực hiện một số chỉ tiêu như: duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ.... Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này không đơn giản, bởi 85% diện tích càphê là do người dân tự trồng và quản lý, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên việc vận động, định hướng giúp bà con theo quy hoạch của ngành nông nghiệp phải kiên trì, không nóng vội.

Chính vì lý do trên nên ngay từ khi càphê ra quả, Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã dự báo, sản lượng niên vụ 2012-2013 tại Tây Nguyên có thể giảm 15 - 20% so với niên vụ trước.

Mất giá…

Niên vụ càphê 2012-2013 đã bước vào thu hoạch từ tháng 9, đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành khoảng 10 – 15% diện tích. Tuy nhiên, khi nông dân bước vào niên vụ thu hoạch mới cũng là lúc giá càphê trong nước giảm mạnh. Cụ thể, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giao dịch ở mức 42,3-42,5 triệu đồng/tấn, giảm gần 1 triệu đồng so với giữa tháng.

Nguyên nhân chính của việc giá càphê giảm là do tăng nguồn cung bởi nông dân và người thu mua muốn giải phóng hàng tồn, do vậy, việc giá sụt giảm đầu vụ là điều thường xảy ra do kỳ vọng nguồn cung tăng. Ngoài ra, hoạt động đầu cơ cũng khá mạnh trong giai đoạn này nên áp lực giảm giá lại càng cao.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích càphê lớn nhất nước, với khoảng 190.765ha, trong đó có 177.890ha càphê kinh doanh , năng suất ổn định 22 - 23 tạ/ha, sản lượng 399.098 tấn càphê nhân. Tại Cư M’Gar, vùng trọng điểm càphê của Đắk Lắk, theo đánh giá của cơ quan chức năng, niên vụ càphê 2012 - 2013, huyện có khả năng đạt năng suất bình quân 2,7 tấn càphê nhân/ha, giảm khoảng 15% so với niên vụ trước.

Anh Lê Văn Hòa ở thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) cho biết: “Nhà tôi có 5ha càphê chín sớm, năm nay thu hoạch xong cũng được khoảng 8 tấn, giảm 2 tấn so với niên vụ trước. Không chỉ sản lượng giảm, ngay từ đầu vụ, giá càphê đã giảm rồi, nếu giảm nữa thì nông dân sẽ lỗ”.

Đồng cảm với người trồng càphê, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Càphê TNHH MTV Thắng Lợi (Đắk Lắk) khuyến cáo bà con nên có biện pháp tạm trữ càphê tại nhà để điều tiết thị trường, tránh trường hợp bán ra ồ ạt dẫn đến giá càng giảm.

 

Tây Nguyên hiện có khoảng 500.000ha càphê, tập trung tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, ổn định trong vùng sinh thái thuận lợi, phù hợp với việc đầu tư thâm canh đồng bộ để đạt sản lượng 1 triệu tấn càphê nhân chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Bá Thăng

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn