Thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
- Thứ ba - 18/04/2017 05:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong giai đoạn 2010-2016, xuất khẩu hàng hóa đang có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016 - theo một nghiên cứu chuyên sâu mới công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello và Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển (DEPOCEN). Nghiên cứu đã chỉ ra một số thách thức mà xuất khẩu Việt Nam gặp phải trong giai đoạn 2011 – 2016.
MarketIntello và DEPOCEN chỉ ra rằng thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng nhưng có mức độ tập trung vào các thị trường chính cao. Các thị trường lớn nhất theo giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011 – 2015 là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hong Kong, Malaysia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Anh, và Australia. Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm hoặc suy giảm. Số liệu ước tính cho thấy kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đối với toàn thế giới suy giảm khoảng 14% so với năm trước đó. Kim ngạch nhập khẩu Hoa Kỳ chỉ giảm với tỷ lệ 4,3% trong năm 2015 - cao hơn nhiều mức trung bình thế giới và là mức cao nhất trong số 10 thị trường trọng điểm trên.
Ảnh minh họa |
Đọc sâu vào con số kim ngạch xuất khẩu quý 1 tăng, ông Đinh Tuấn Minh – Giám đốc MarketIntello chỉ ra rằng, trong xuất khẩu của Việt Nam thì xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh với tốc độ trung bình 21,3%/năm trong 5 năm gần đây (cao hơn mức tăng xuất khẩu cả nước trung bình là 12,7%) và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (chiếm tỷ trọng 72% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu như năm 2010 xuất khẩu của khu vực này mới chỉ chiếm khoảng 47% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì đến năm 2016, tỷ trọng đã tăng lên tới hơn 70%, tức gấp hơn 2 lần xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đa phần nằm trong các nhóm hàng có cầu tiêu dùng lớn, tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng.
Đơn cử như xuất khẩu dệt may, hiện 5 thị trường đối tác lớn nhất của Việt Nam về nhóm hàng dệt may lần lượt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Anh. Trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ đã chiếm tới 48% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2015. Số liệu năm 2016 cho thấy, hàng dệt may đã giảm tốc khi chỉ tăng trưởng 4,6% (năm 2015 tăng 9%), đạt 22,8 tỷ USD và kém xa mục tiêu đầu năm là 31 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của hàng dệt may Việt Nam. Nguyên nhân chính là sự giảm tốc của 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (từ tăng 11,6% trong năm 2015 xuống chỉ còn 4,6% trong năm 2016) và Nhật Bản (từ mức tăng 6,3% trong năm 2015 xuống còn 4,2% năm 2016).
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu/Nguồn: Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia |
Xuất khẩu giày dép tăng trưởng chậm lại và chuyển dịch một phần từ châu Âu sang Hoa Kỳ. Thị trường Hoa Kỳ đã vượt lên là thị trường nhập khẩu giày dép dẫn đầu, tiếp theo là Trung Quốc. Một số thị trường lớn tại châu Âu như Anh, Pháp, Italia lại thu hẹp thị phần.
Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, khó khăn tập trung tăng trưởng tại thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm thị trường lớn nhất của Việt Nam ở nhóm ngành này lần lượt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức. Thị trường Hoa Kỳ có kim ngạch lớn nhất (886 triệu USD trong năm 2015 - chiếm trên 18% tổng xuất khẩu của Việt Nam về thủy sản.
Theo số liệu từ tổng cục Hải quan, nhóm hàng thủy sản trong năm 2015 suy giảm đến 16,1% so với 2014 và kim ngạch chỉ đạt 6,56 tỷ USD. Năm 2016, nhóm hàng này hồi phục khi đạt kim ngạch xuất khẩu 7,05 tỷ USD, tăng trưởng 7,4% so với 2015 nhưng vẫn còn thấp so với giai đoạn trước 2015 và thấp hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu theo khu vực kinh tế (tỷ USD) |
“Những thách thức kể trên cùng với diễn biến chính trị khó lường tại nhiều quốc gia phát triển và chính sách thương mại chưa rõ ràng của Mỹ đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế có những biện pháp thích hợp để đảm bảo sự phát triển bền vững của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam”, ông Đinh Tuấn Minh lưu ý.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Hoa Kỳ và châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và hướng tới các thị trường có FTA tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN.
Linh Ly
http://thoibaonganhang.vn