Thách thức với nông sản xuất khẩu
- Thứ năm - 09/11/2017 22:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tính đến tháng 10 năm nay, Bộ NNPTNT nhận được 45 thông báo, trong đó có 35 thông báo liên quan đến việc các nước điều chỉnh những tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) cho phép trong nông sản. Nghĩa là xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ đối diện ngày càng nhiều với những rào cản kỹ thuật từ các thị trường. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam” do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) phối hợp với tổ chức CropLife Việt Nam vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, xuất khẩu nông sản có đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng thì xuất khẩu nông sản liên tục giảm, từ 13% năm 2012 xuống còn gần 8,6% năm 2016. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra đó là do hàng nông sản Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn về MRL do các nước nhập khẩu đưa ra.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu lâm nông sản Việt Nam”, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng trên là do hàng nông sản của Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn quy định về MRL mà các nước nhập khẩu đưa ra với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hàng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy suất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi.
Phát biểu tại Hội thảo, theo ông Jason Sandahl- Phòng Nông nghiệp, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, TBVTV cần phải được đánh giá dựa trên rủi ro chứ không phải mối nguy. Chính vì vậy người nông dân phải được hướng dẫn cụ thể cũng như việc phối hợp giữa các bộ ngành liên quan để tạo ra một dữ liệu về dư lượng TBVTV nhằm quản lý tốt nó.
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo chung nhận định, Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL, song việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình này đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm thực hiện của tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phát triển sản phẩm, công ty chế biến, sản xuất, đóng gói, nông dân và người tiêu dùng.
Q.Định - Đ.Dương/daidoanket.com.vn