Thanh long Việt trước nhiều sức ép
- Thứ tư - 30/10/2019 03:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sức ép cạnh tranh
Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), khoảng 10 năm trở lại đây, ngành rau quả của Việt Nam đã có mức tăng trưởng nhanh chóng, với tốc độ 73,1% mỗi năm. Năm 2018, giá trị xuất khẩu (XK) rau quả đạt 3,8 tỷ USD, riêng kim ngạch XK thanh long khoảng 1,37 tỉ USD (chiếm 36%). 10 tháng đầu năm 2019 XK rau quả ước đạt trên 3 tỉ USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao. |
Tuy nhiên, hầu hết XK rau quả của Việt Nam là qua đường tiểu ngạch biên giới Trung Quốc dưới dạng tươi. XK sang các thị trường cao cấp như Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ còn hạn chế. Điều này phần lớn là do các nhà XK Việt Nam chưa hiểu rõ nhu cầu của người mua và chưa đáp ứng được một cách đồng bộ các tiêu chuẩn VSATTP cũng như kiểm dịch thực vật (SPS).
Thực tế gần đây nhất đã có một số lô hàng trái cây XK của ta bị phát hiện vượt ngưỡng dư lượng hóa chất cho phép làm giảm uy tín của các mặt hàng trái Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì lý do đó, kể từ tháng 5/2019, Nhật Bản đã quyết định kiểm tra 30% tất cả các lô hàng thanh long tươi NK từ Việt Nam và sau đó tăng lên 100% với các công ty vi phạm.
Trong các loại rau quả, thanh long là trái XK lớn nhất. Thanh long cũng là loại cây trồng tiềm năng đối với nông dân và các công ty XK nhờ mức lợi nhuận hấp dẫn, dễ trồng, thu hái quanh năm và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, loại trái này đang tiến vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Australia, EU, Mỹ, Nhật Bản…
Tuy nhiên, thanh long Việt Nam hiện đang đứng trước sức ép rất lớn từ các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ và Úc vì những nước này đang mở rộng quy mô sản xuất thanh long. Cụ thể, tính đến tháng 9/2019 diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng lên tới 60.000 ha; đồng thời tiếp tục tăng cường hàng rào kỹ thuật, khắt khe hơn với tất cả các nguồn XNK nông sản.
Theo bà Nguyễn Hương Trà, đại diện IFC, đối với sản phẩm thanh long tươi XK, mỗi thị trường đều có những yêu cầu khác nhau. Cụ thể đối với thị trường quan trọng như Trung Quốc đến nay rất chú trọng về hình thức trái và yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm thanh long tươi Việt Nam đang mở rộng thị trường xuất khẩu. |
Từ năm 2019, Trung Quốc siết chặt NK tiểu ngạch, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc chặt chẽ hơn, yêu cầu đăng ký thông tin vườn trồng, nhà xưởng, bao bì mẫu tem truy xuất gửi cho hải quan Trung Quốc và tuân thủ các thỏa thuận về kiểm dịch với NK chính ngạch. Do đó càng đặt ra thách thức lớn cho XK thanh long Việt Nam.
Đối với thị trường Mỹ lại rất chú trọng về VSATTP, thủ tục kiểm soát NK tuân thủ các thỏa thuận song phương về kiểm dịch và các biện pháp quản lý NK rất phức tạp, chồng chéo (kiểm tra bằng chiếu xạ và có sự giám sát của các chuyên gia Mỹ, kiểm định dư lượng hóa chất BVTV và kích thích sinh trưởng). Tuy nhiên, đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thì truy xuất nguồn gốc từ vườn trồng đến nhà máy, chứng nhận SPS ghi đúng câu yêu cầu của nước NK, xử lý nhiệt có giám sát của chuyên gia.
Xây dựng chiến lược hỗ trợ nông dân
Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2019 đã có 60/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trồng thanh long. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của IFC về thanh long Việt Nam cho thấy, dư lượng thuốc BVTV trên cây trái vẫn còn khá phổ biến, tỉ lệ mô hình áp dụng quy trình GlobalGAP còn hạn chế, phương pháp quản lý đồng ruộng chưa phù hợp…
Bên cạnh đó, việc chứng nhận chất lượng thanh long XK cũng chưa đáp ứng đủ cho tất cả các mặt hàng thanh long, năng lực kiểm nghiệm, dịch vụ chiếu xạ còn hạn chế và chi phí cao khi XK trái cây tươi sang các thị trường khó tính.
Các chuyên gia quốc tế tìm hiểu các sản phẩm thanh long chế biến. |
Ông Phạm Việt Anh, đại diện GlobalGAP tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang chứng nhận cho các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Tại thị trường Việt Nam thì tập trung vào các lĩnh vực rau củ quả, trong đó có thanh long, chúng tôi quan tâm nhiều đến ATVSTP, truy xuất nguồn gốc, an sinh cho người lao động… Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm dưới GlobalGAP với những yêu cầu không khắt khe lắm, nhằm đáp ứng cho các thị trường đang phát triển như Việt Nam”.
Theo ông Anh, trong xu thế hội nhập hiện nay cần quan tâm đến việc tập huấn nâng cao năng lực cho các DN, vì ngành trồng trọt, rau củ quả đang bước ra thị trường thế giới. Do vậy, cần phải giúp cho DN từng bước nhận thức được các quy định, yêu cầu của GlobalGAP trong quá trình kinh doanh và sản xuất nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, để xuất khẩu tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Do đó, phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ.
Cần xây dựng phần mềm cấp mã số Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (AgroTrade), mỗi thị trường XK đều có yêu cầu riêng và không có tiêu chuẩn chung nào cả. Do vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để phổ biến và cập nhật các quy định của các nước NK. Việc trao đổi thông tin hướng dẫn về cấp mã số vùng trồng cho các hộ nông dân và DN cũng còn nhiều vướng mắc do đặc thù về tổ chức của từng địa phương. Hơn nữa, nguồn nhân lực quản lý còn hạn chế, do đó cần xây dựng các chương trình phần mềm, trang thiết bị trong việc cấp mã số, duy trì kiểm soát mã số sau khi cấp và quản lý dữ liệu mã số nông sản quốc gia. Nhất là người nông dân cần phải nâng cao ý thức, thay đổi nhận thức trong quá trình sản xuất GAP và IPM. |