Thị trường bị lũng đoạn vì thương lái Trung Quốc: “Lỗ hổng lớn trong quản lý”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng việc thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua các mặt hàng nông sản theo kiểu quái lạ cùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò là “hành động phá hoại nền kinh tế nước nhà”.

Thị trường bị lũng đoạn vì thương lái Trung Quốc

Có thể nói trong những năm gần đây, người Trung Quốc sang nước ta mua khá nhiều mặt hàng với mục đích và động cơ không rõ ràng. Từ 10 năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò, vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, lá vải khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, mấy tháng qua họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn và được thu mua với giá rất cao, sau khi nông dân ồ ạt trồng, ồ ạt bán thì thương lái lại không mua nữa.

  

 Cho đến thời điểm này các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu mua chưa chứng minh được lợi ích về mặt ý nghĩa kinh tế, chúng ta không hiểu họ mua những sản phẩm đó để làm gì.

Tuy nhiên với kiểu làm ăn buôn bán như thế đã gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Chẳng hạn lá điều, lá vải khô lâu nay nông dân dùng để giữ ẩm và tăng độ mùn cho đất, nay không còn lá điều để ủ, năng suất cây trồng thấp xuống trong mùa sau.

Hay móng trâu cắt bán đi thì con trâu sẽ không cày cấy được; đỉa, ốc bươu vàng nuôi nhiều nhưng rồi thương lái đột ngột ngừng mua, ốc đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường, lá khoai lang mà cắt đi thì năng suất khoai sẽ giảm. Tuy nhiên nguy hại nhất chính là việc nông dân chạy theo yêu cầu quái lạ của thương lái Trung Quốc, đã làm thị trường bị lũng đoạn, quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi bị phá vỡ, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

  

Những chiêu trò mà thương lái Trung Quốc bày ra rõ ràng là hành động phá hoại kinh tế. Họ làm vậy là không có tư cách thương nhân, đó là những hành vi hoàn toàn phi pháp, những hành động này cần phải giám sát, trừng trị nghiêm khắc vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân và đất nước.

Có một điều mà chúng ta cũng cần phải xem xét phân tích, đánh giá kỹ lưỡng là vì sao thương lái Trung Quốc lại chọn Việt Nam mà không phải các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan? Phải chăng Luật Thương mại của ta quá lỏng?

Theo tôi, để xảy ra tình trạng đó có 3 vấn đề:

Thứ nhất, các cơ quan Trung ương, các bộ ngành liên quan chưa đề ra các biện pháp kiểm soát.

Thứ hai, cơ quan địa phương thiếu cảnh giác.

Và thứ ba, người dân ít được tuyên truyền cũng như cảnh báo nên hám lợi, cả tin, tự mình làm hại mình.

Trong câu chuyện này, nông dân là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Người nông dân không kinh doanh trên cơ sở bền vững (ký hợp đồng) mà họ thấy thương lái hứa trả giá cao nên nghe theo, họ không biết thế nào là hợp đồng và không tính đến những trường hợp rủi ro có thể xảy ra… Tất cả những điều này cho thấy sự hiểu biết và tính tổ chức của người nông dân Việt Nam còn nhiều hạn chế. Người nông dân phải rút kinh nghiệm, họ phải tìm hiểu, kinh doanh dựa trên hợp đồng, họ phải biết rõ địa chỉ của đối tác và phải có những động thái bảo vệ mình như: Yêu cầu đặt cọc, địa chỉ của người mua, nếu có yếu tố nước ngoài thì phải thông báo cho chính quyền sở tại được biết để tránh trường hợp bị lừa.

Cần có thái độ kiên quyết, cứng rắn

Tôi nghĩ phản ứng của các bộ ngành trước những chiêu trò kỳ quái của thương lái Trung Quốc là rất chậm và chưa quyết liệt. Chính vì vậy thương lái Trung Quốc mới có cơ hội diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ và người nông dân vẫn bị lừa như thường.

Điều đó cho thấy đang có lỗ hổng lớn trong công tác quản lý điều hành tổ chức thị trường của các bộ ngành liên quan, sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của các địa phương. Chúng ta cần phải có báo cáo chi tiết hàng năm về những hoạt động bất thường của thương lái Trung Quốc.

Cần phải giám sát chặt chẽ việc người Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta đi theo hình thức nào, có giấy phép, có phải thương nhân hay không, có quyền được thực hiện các giao dịch mua bán trực tiếp với người dân hay không và thông qua hình thức hợp đồng như thế nào?

Mới đây trong một phiên giải trình trước Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận đã có những thiếu sót bất cập trong công tác quản lý. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra, giám sát hoạt động thu mua nông sản của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ này đã yêu cầu các địa phương phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua - bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu. Việc mua đi bán lại với các thương lái cần phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua - bán khi diễn ra thu mua nông sản. Thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp thu gom nông sản từ nông dân mà phải thông qua cơ quan đại diện là thương nhân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là những việc làm cần thiết, đáng lý phải làm từ lâu rồi.

Việc thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt nông sản, thậm chí là nhiều nông sản kiểu lạ lùng đã không còn là vấn đề mới ở nông thôn Việt Nam. Và các cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ để kiểm soát tình trạng này. Tôi tha thiết đề nghị các cơ quan quản lý có trách nhiệm ở Việt Nam phải quản lý chặt chẽ người Trung Quốc, thương nhân Trung Quốc.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phải thông báo cho nông dân biết, chúng ta có các cơ quan đoàn thể, có hội, có mặt trận, chi bộ Đảng vậy tại sao lại để thương lái Trung Quốc đến lũng đoạn mà không hề biết gì. Tôi nghĩ chúng ta cần có sự đánh giá rút ra bài học xương máu và có một thái độ cương quyết, cứng rắn hơn nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Theo danviet.vn