Thị trường cá tra toàn cầu còn phát triển trong những năm tới

Thị trường cá tra toàn cầu còn phát triển trong những năm tới
Ngành hàng cá tra đang đứng trước cơ hội đột phát về giá trị XK với khả năng vượt mốc 2 tỷ USD. Trong những năm tới, XK cá tra còn nhiều cơ hội không nhỏ về mặt thị trường.

Theo VASEP, thị trường cá tra toàn cầu còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong những năm tới, ít nhất là đến năm 2025.

06-37-42_thi_truong_c_tr_ton_cu
Chế biến cá tra XK (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Thông tin từ Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, cho thấy, cá tra đang đứng thứ 10 trong số những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất. Từ nay đến 2025, nhu cầu cá tra trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên do cá tra được đưa vào làm nguyên liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà chiếm phần lớn là ngành thực phẩm. Bên cạnh đó là các ngành khác như dược phẩm, thực phẩm chức năng… Sở dĩ cá tra được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như vậy là nhờ có hàm lượng chất béo từ mức thấp đến mức trung bình, hàm lượng protein cao, giàu axit béo omega-3 được sử dụng làm chất bổ sung cho chế độ ăn uống, cá tra có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp cho tim, gan, thận hoạt động khỏe mạnh. Với những lợi ích đó, đến nay, hầu hết các hoạt động ăn uống ở châu Âu và Mỹ đều có cá tra trên thực đơn.

Thị trường cá tra thế giới hiện được chia làm nhiều khu vực khác nhau, như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương… Nhu cầu chính về cá tra/basa sẽ đến từ Trung Quốc, Nga, châu Âu và Mỹ, do tại những thị trường này, cá tra được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và dược phẩm. Ngoài ra, có thể kể tới những thị trường đầy tiềm năng khác như Trung Đông, Brazil và một số nước châu Á.

Cá tra được nuôi chủ yếu ở Việt Nam và một số nước lân cận. Kết quả điều tra của Đại học Stavanger, công bố tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các lãnh đạo nuôi trồng thủy sản 2017 (GOAL 2017) do Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) tổ chức tại Ailen, cho thấy, sản lượng cá tra thế giới trong năm qua khoảng 2,44 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 50% sản lượng cá tra của thế giới và là nước XK cá tra lớn nhất, chủ yếu là các sản phẩm dạng đông lạnh.

Một điều đáng lưu ý là ở một số nước lân cận, các kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng để nuôi cá tra, qua đó, có thể giúp cho cá tra ở những nước này cạnh tranh mạnh hơn với cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Sản lượng cá tra ở một số nước cũng đang có xu hướng gia tăng. Thông tin từ GOAL 2017 cho hay, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng sản lượng từ 550.000 tấn năm 2017 lên 625.000 tấn vào năm 2019, Bangladesh có thể tăng từ 554.256 tấn năm 2017 lên 749.746 tấn cũng vào năm 2019. Ở Indonesia, sản lượng cá tra năm 2019 được dự báo vào khoảng 150.000 tấn, tăng 50.000 tấn so năm 2015.

Mặt khác, những yếu tố về khí hậu (biến đổi khí hậu) trong những năm tới có thể ảnh hưởng tới việc tăng sản lượng cá tra Việt Nam. Qua đó, làm cản trở không nhỏ tới khả năng mở rộng thị trường và tăng trưởng về giá trị XK cá tra.

Theo một báo cáo về nuôi trồng thủy sản mà FAO mới công bố gần đây, giá cá dự kiến sẽ tăng lên trong khoảng 10 năm tới. Giá cá giao dịch quốc tế vào năm 2030 có thể sẽ tăng 25% so với năm 2016. Dân số tăng trên toàn cầu kéo theo nhu cầu sử dụng cá gia tăng, thu nhập đầu người tăng cũng khiến người ta dùng cá nhiều hơn, chi phí nuôi cá tăng lên .. là những nguyên nhân quang trọng khiến cho giá cá có xu hướng tăng trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, những thay đổi của ngành thủy sản ở Trung Quốc (một trong những nước tiêu thụ và cung cấp cá hàng đầu thế giới) cũng sẽ có tác động đáng kể tới việc tăng giá các sản phẩm cá trên toàn cầu. Theo kế hoạch phát triển thủy sản bền vững của Chính phủ Trung Quốc, sản lượng khai thác thủy sản dự kiến sẽ giảm 29%. Trong khi đó, ngành nuôi trồng thủy sản tuy vẫn tăng trưởng, nhưng mức tăng sẽ thấp hơn rất nhiều so với trước đây. Điều này sẽ khiến cho giá cá ở thị trường Trung Quốc tăng lên và nguồn cung cá từ Trung Quốc ra thị trường thế giới giảm xuống. Qua đó, góp phần khiến cho giá cá tăng trên thị trường thế giới.

SƠN TRANG (nongnghiep.vn)