Thị trường lúa gạo vào lúc khó khăn

Sau các hợp đồng ký được từ Philippines và Indonesia, thị trường lúa gạo trong nước đang “hạ nhiệt” mạnh. ĐBSCL đang vào đầu vụ thu hoạch lúa thu đông nhưng tình hình mua bán đang có dấu hiệu đình trệ, giá giảm làm nông dân lo lắng.
Vụ lúa thu đông ở ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch nhưng giá giảm khiến nông dân lo lắng.

Thương lái bỏ cọc

Theo nông dân và các thương lái ĐBSCL, thị trường lúa gạo mấy ngày qua có chiều hướng xấu khi giá giảm, doanh nghiệp giảm “ăn hàng”.

Nông dân Lê Hồng Quân ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, tỉnh Cần Thơ cho biết giá lúa tươi IR 50404 thương lái thu mua ngày 11.10 đã giảm 300 đồng/kg so với một tuần trước đó. “Tuần trước giá lúa còn 5.000 – 5.100 đồng/kg, 2 - 3 ngày qua đột ngột giảm còn có 4.700 – 4.800 đồng/kg. Giảm mà có người mua còn đỡ, đằng này thương lái bỏ của chạy lấy người luôn. Họ đặt cọc 100 công lúa nhà tôi (1 công khoảng 1.300m2) tuần trước 20 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau cắt lúa vô mua. Vậy mà hôm qua họ gọi điện thoại chấp nhận mất cọc không mua nữa. Mới đầu vụ thu hoạch giá đã giảm như vậy, vào vụ thu hoạch rộ giá sẽ còn như thế nào. Nhà tui còn mấy ha lúa chưa thu hoạch nữa” – anh Quân vô cùng lo lắng. Bà Trần Thị Bông (ở Thoại Sơn, An Giang), thương lái chuyên thu mua lúa gạo vùng An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang thừa nhận tình hình lúa gạo đang chuyển biến theo chiều hướng xấu. Các kho của doanh nghiệp giảm mua hàng, giảm giá thu mua gạo xuống từ 200 – 300 đồng/kg tùy loại. “Có kho còn ngừng mua luôn mà không rõ lý do khiến thương lái chúng tôi hoang mang nên cũng tạm ngưng thu mua chờ xem tình hình thế nào” – bà Bông giải thích.

Trước tình hình giá lúa giảm bất thường như thế, anh Quân đang chọn phương án là lấy tiền đặt cọc của thương lái thuê nhân công cắt và phơi lúa dự trữ lại để chờ thị trường mua lại sẽ bán ra.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tại hội nghị sơ kết sản xuất niên vụ lúa năm 2014, triển khai vụ đông xuân 2014-2015 tại khu vực Nam Bộ, diễn ra ở TP.HCM cuối tuần qua, năm nay vụ thu đông của toàn vùng Nam Bộ có năng suất bình quân cao hơn năm 2013 khoảng 2,2 tạ/ha. Do đó sản lượng lúa thu đông (sẽ thu hoạch rộ trong tháng 11, 12) dự kiến cũng tăng lên hơn 200.000 tấn, lên mức ước khoảng gần 4,2 triệu tấn. Sản lượng để lại tiêu thụ trong nước là 2,1 triệu tấn lúa. Như vậy sẽ còn gần 2,1 triệu tấn lúa hàng hóa trong dân cần tiêu thụ trong thời gian sắp tới, tương ứng với khoảng 1,05 triệu tấn gạo.

Thị trường tiêu thụ không thuận lợi

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 9, Việt Nam xuất khẩu được 4,788 triệu tấn gạo, trị giá FOB 2,07 tỷ USD. Hợp đồng xuất khẩu đã ký đến ngày 30.9 là 6,516 triệu tấn. Theo đó lượng hợp đồng còn lại chưa giao là 1,728 triệu tấn. Hiện trong kho các doanh nghiệp VFA còn tồn 1,19 triệu tấn. Như vậy doanh nghiệp chỉ còn thiếu 0,538 triệu tấn gạo cần thu mua.

“Cân đối xuất khẩu và dự trữ chuyển qua sang năm, VFA sẽ cố gắng thu mua hết lượng lúa gạo hàng hóa trong dân. Tuy nhiên từ nay tới cuối năm, tình hình khá khó khăn nên giá gạo trong nước sẽ đứng ở mức hiện nay, khó tăng cao hoặc có thể giảm nhẹ do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới đã giảm” – ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch VFA nhận định.

Ông Bảy thông tin thị trường gạo thế giới đang trong chiều hướng suy yếu trở lại sau khi giao dịch kết thúc từ Philippines và Indonesia trong tháng 8 và tháng 9. Thị trường đang chờ nhu cầu tiếp theo từ khu vực Đông Nam Á và nhất là tăng mua từ Trung Quốc nhưng chưa rõ nét, trong khi áp lực thu hoạch mới, gần như đồng loạt, của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myamar và Cambodia sắp đến đang đè nặng thị trường, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, sẽ làm giá thị trường sút giảm trong thời gian tới. Tình hình khó khăn đó sẽ còn tiếp diễn qua năm 2015.

“Năm 2015 gạo Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt với gạo Thái Lan. Thế mạnh của Việt Nam là loại gạo thơm, jasmine mà Thái Lan cũng có 2 giống lúa khác tương đương cạnh tranh mạnh về giá với mình. Sự cạnh tranh không chỉ trong khu vực châu Á mà ở cả các thị trường châu Phi cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới. Trong khi đó, tiêu thụ qua đường tiểu ngạch đang có sự quản lý chặt chẽ nên sẽ khó có việc các doanh nghiệp, tư thương dễ dàng xuất gạo qua đường này” – ông Bảy lo lắng.

Cục Trồng trọt dự kiến vụ đông xuân 2014 - 2015, diện tích gieo sạ ở Nam Bộ là gần 1,7 triệu ha với sản lượng ước tính khoảng 12 triệu tấn lúa. Trước tình hình xuất khẩu dự báo sẽ khá khó khăn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo ngành nông nghiệp cần xem xét lại diện tích và sản lượng sản xuất vụ đông xuân sắp tới, nhất là với những vùng hạn nên cân nhắc quy mô sản xuất. “Ngành cần có phương án tạm trữ ngay từ sớm để giữ ổn định sản xuất lúa vụ đông xuân 2014 - 2015. Bởi đây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm và có lãi nhất do không bị ảnh hưởng bởi thời tiết” - ông Phạm Huy Thông- GĐ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, kiến nghị.
 
Theo danviet.vn