Thị trường sữa Việt: Mối lo từ CPTPP

Thị trường sữa Việt: Mối lo từ CPTPP
Quý I/2018, thị trường sữa Việt Nam khá “lắng” khi giá bán tương đối ổn định. Doanh nghiệp thu mua sữa từ người chăn nuôi quanh mức 11.000 - 12.000 đồng/lít. Sản lượng sữa tươi và sữa bột lần lượt đạt 340,2 triệu lít và 36,7 nghìn tấn… Dù vậy, đằng sau đó, sự cạnh tranh giữa sữa ngoại nhập và sữa nội vẫn hết sức gay gắt.

Thách thức

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tình sản xuất của các doanh nghiệp ngành sữa thuận lợi và sản lượng tăng ở cả phân khúc sữa tươi và sữa bột. Cụ thể, sản lượng sữa tươi tháng 3 đạt 129,2 triệu lít, tăng 19,8% và sữa bột đạt 14,1 nghìn tấn, tăng 45,3% so tháng 2/2018, nâng sản lượng sữa tươi và sữa bột quý I/2018 lần lượt là 340,2 triệu lít và 36,7 nghìn tấn, tương ứng giảm 0,4% và tăng 26,9% so cùng kỳ năm trước.

Hiện, Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng. Đối với thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chính thức xuất khẩu sữa sang thị trường này là Vinamilk vào năm 2012. Đến nay, sữa Việt Nam đã có mặt tại gần 50 quốc gia trên thế giới.

Trong con số sản lượng sữa trên 1,3 tỷ lít sản xuất năm 2017, chỉ có khoảng 30% là sữa tươi thực sự. Theo báo cáo, thị trường sữa tươi từ năm 2010 đến nay, sản lượng sữa tươi vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong sản lượng sữa tiêu thụ. Có một thực tế rằng, hiện nay có nhiều người tiêu dùng dù đã mua sữa, sử dụng sữa rất nhiều năm nhưng vẫn không phân biệt giữa sữa tươi 100%, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên. Trong khi đó theo BCSI, điều quan trọng nhất để tạo ra một thị trường sữa minh bạch thì sữa hoàn nguyên phải ghi là sữa hoàn nguyên, sữa tươi thì phải ghi rõ nguồn nguyên liệu để người mua dễ dàng chọn lựa… Cho nên, khi sự minh bạch chưa được thực thi tích cực, tạo ra những thay đổi căn bản thì đây chính là điểm yếu của thị trường sữa Việt, đang đặt ra thách thức rất lớn khi hội nhập.

Còn với dòng sản phẩm sữa bột, người tiêu dùng Việt ưa chuộng sử dụng các dòng sản phẩm ngoại nhập hơn. Theo thống kê từ năm 2010 - 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,4 tỷ USD mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa, trung bình khoảng 817 triệu USD/năm. Riêng về sữa bột, năm 2017 Việt Nam nhập khẩu 523,7 triệu USD, chiếm hơn 1/2 (61%) tổng kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa cả nước. Về số lượng, nước ta nhập khẩu khoảng 223,2 nghìn tấn sữa bột trong năm 2017, gấp khoảng 1,73 lần lượng sữa bột sản xuất trong nước.

Sự cạnh tranh giữa sản phẩm sữa ngoại và nội sẽ căng thẳng hơn khi CPTPP được thực thi chính thức từ năm 2018; bởi, hiện nay Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa chủ yếu từ các thị trường New Zealand, Singapore, Mỹ, Đức, Thái Lan… Nhưng đáng chú ý là trong số 10 nước đối tác tham gia ký kết hiệp định CPTPP ngày 9/3/2018 vừa qua thì có tới 5 nước (New Zealand, Singapore, Malaysia, Australia và Nhật Bản) xuất khẩu sữa sang Việt Nam với thị phần lớn.

 

Nâng cao chất lượng

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như cạnh tranh lại với các sản phẩm sữa nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm hơn nữa; theo đó, có nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong lĩnh vực này. Như sản phẩm sữa organic của Vinamilk, sữa đậu nành mè đen, trà xanh hay Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP) với sản phẩm sữa bắp.

Cùng với đó, là giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, những năm gần đây, Vinamilk chú trọng phát triển trang trại bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi. Vinamilk cũng hoàn tất thâu tóm Driftwood của Mỹ để đưa 2 sản phẩm là sữa đặc và creamer đặc ra thị trường mang thương hiệu Driftwood, liên kết với Miraka sản xuất sữa tại New Zealand và thành lập Công ty Vinamilk Europe tại Ba Lan.

Một thương hiệu khác trong ngành sữa là NutiFood cũng bắt đầu thay đổi cục diện thị trường khi vươn lên nắm vị trí số 1 trong phân khúc dòng sữa đặc trị (giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chiều cao, cân nặng cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi) tại thị trường Việt Nam. Giữa tháng 2 vừa qua, bước ngoặt quan trọng với NutiFood là việc ký hợp đồng xuất khẩu sữa bột pha sẵn dành cho trẻ em biếng ăn Pedia Plus sang thị trường Mỹ đối tác Delori. Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ngành sữa những năm qua tăng trưởng nhanh với trung bình 15 - 17%/năm và đang từng bước phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Để cạnh tranh, các công ty ngành sữa đã chú trọng khâu nghiên cứu, chế biến và đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm thay cho giai đoạn phụ thuộc vào nhập khẩu và phân phối.

Ở một phương diện khác, theo các chuyên gia, CPTPP có hiệu lực không phải là hết cơ hội với ngành sữa, nếu có chiến lược phát triển cụ thể và hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể cải thiện chất lượng nguồn cung sữa nguyên liệu, giảm thiểu chi phí sản xuất sữa, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín thương hiệu cũng như sự kết nối trong ngành để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết chặt chẽ với nhà phân phối cũng như cùng ngành để nâng cao giá trị cạnh tranh; nhà nước, doanh nghiệp cần hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật để giúp nông dân nâng cao chất lượng con giống...

>> Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA, một mặt các công ty, người chăn nuôi trong nước phải áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghiệp chế biến, với mục đích đa dạng hóa sản phẩm chế biến, hướng tới phân khúc sản phẩm cao cấp như sữa hữu cơ, thực phẩm tách chiết từ sữa… đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nguồn: nguoichannuoi.com