Thị trường tiêu dùng sau Tết Sức mua chậm, giá thực phẩm vẫn cao
- Chủ nhật - 17/02/2013 22:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau Tết, mặt hàng thủy sản trở nên đắt đỏ
Ảnh: S. XANH
Sau Tết - Giá thực phẩm vẫn cao
Tại TP. Hồ Chí Minh giá rau củ vẫn ở mức tăng 20-30% so với trước Tết. Đơn cử, xà lách cuộn giá cao ngất ngưởng 40.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo có giá 20.000 đồng/kg; khổ qua, bí xanh 15.000 đồng/kg; rau muống, cải ngọt đứng ở mức 10.000 đồng/kg. Thắc mắc về việc giá rau xanh tăng cao so với ngày thường, nhiều tiểu thương cho rằng, giá rau hôm nay đã "hạ nhiệt”. Lý giải về nguyên nhân giá rau củ vẫn ở mức cao không ít tiểu thương khẳng định: "Ra Tết sức mua của mặt hàng rau củ tăng cao trong khi đó lượng hàng về chợ có giới hạn vì vậy, không thể tránh được tình trạng giá cả tăng cao”. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hiện hàng hóa về chợ đã ổn định bình thường. Giá cả tại chợ đầu mối không tăng nhiều sau Tết, chỉ tăng dao động từ 1.000-5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi về các chợ lẻ giá cả có tăng, nguyên nhân do tâm lý tăng ăn theo dịp lễ tết của một số tiểu thương.
Giá rau xanh cơ bản ổn định, tuy nhiên giá các mặt hàng thủy sản tăng khiến nhiều người tiêu dùng giật mình. Đơn cử, cá thu trước Tết là 180.000 đồng/kg nay tăng lên 250 thậm chí, có chợ bán đến 280.000 đồng/kg; cá bạc má ở mức trên 60.000 đồng/kg, cá hường 80.000 đồng/kg, tôm sú 200.000 đồng/kg. Không chỉ có rau củ, thủy sản tăng giá, thịt gia súc tại các chợ cũng đang giữ giá cao hơn ngày thường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Tân Định (quận 1), chợ Thị Nghè (Bình Thạnh)… giá thịt ba rọi ở mức 90.000 ngàn đồng/kg, thịt heo đùi 85.000 đồng/kg, thịt heo nạc 100.000 đồng/kg. Bên cạnh những mặt hàng trên, giá thịt bò cũng được tiểu thương các chợ lẻ cho "leo thang”. Cụ thể, giá thịt bò thăn trước Tết là 240.000 đồng/kg nay tăng lên 300.000 đồng/kg, bắp bò từ 210.000 đồng/kg nay dao động ở mức 260.000 -270.00 đồng/kg.
Còn tại Hà Nội, sau đợt nghỉ Tết nguyên đán kéo dài 10 ngày, cũng là thời điểm nhiều người đi chợ mua sắm thực phẩm. Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết hôm qua, 17-2, tại nhiều chợ lớn ở Hà Nội như chợ Thành Công, chợ Cống Vị, chợ Linh Lang…giá xương cục, xương ống lên tới trên 100 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với những ngày trước Tết. Rau xanh cũng nằm trong vùng tăng giá. Rau cần, cải xanh có giá từ 10.000-15.000 đồng/mớ, su hào 4.000-5.000 đồng/củ, hoa lơ 15.000- 25.000 đồng/bắp, xà lách từ 15.000-20.000 đồng/kg,...Còn các loại rau đặc sản như Cải làn Lạng Sơn, ngồng cải…không có hàng để bán.
Riêng các mặt hàng thủy sản ở các chợ giá tăng mạnh nhất, hiện các tiểu thương kinh doanh tại chợ chỉ bày bán các loại tôm, cá nuôi là chủ yếu. Các loại cá biển cũng chỉ là hàng đông lạnh dự trữ từ trước tết, song lượng hàng ít. Một số tiểu thương cho biết: "ra Tết không có hàng để bán”. Tại chợ Thành Công cá diêu hồng tăng từ 45.000 lên 80.000đ/kg, cá lóc nuôi tăng từ 55.000 lên 90.000đ/kg, tôm tăng từ 200.000 lên 300.000đ/kg. Tại các siêu thị lớn như big C, Metro quầy bày bán mặt hàng hải sản tươi sống cũng luôn trong tình trạng hiếm hàng.
Lý giải về việc giá cả tăng mạnh, nhiều tiểu thương cho biết, năm nay nghỉ Tết dài hơn mọi năm, các cơ sở giết mổ cũng chưa khởi động chính thức. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng đồ tươi tăng mạnh nên giá cả vẫn cao là chuyện dễ lý giải.
Mặc dù, mùng 8 Tết các chợ truyền thống và siêu thị bày bán hàng hóa bình thường nhưng sức mua không đáng kể, thậm chí rất chậm. Nói về sức mua, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống cho biết, sức mua hiện vẫn chưa cao, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm. Đại diện một số siêu thị cũng nhận định, mã lực sau Tết vẫn chưa mạnh và đang tăng dần các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây.
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu cân bằng dinh dưỡng sau những ngày Tết của khách hàng, Co.opmart tăng lượng hàng chay lên gấp 3 lần so với ngày thường đồng thời khuyến mãi đến 30% các sản phẩm này. Về phía hệ thống siêu thị Big C, ngay trong ngày bán hàng đầu tiên của năm mới Quý Tỵ đã đồng loạt triển khai 2 chương trình khuyến mãi dài từ 12 đến 28-2, áp dụng cho hơn 700 mặt hàng có mức giảm giá từ 5 - 50% kèm nhiều ưu đãi và quà tặng. Trong đó, Big C đặc biệt thiết kế chương trình "Đồng giá bán – Thuận tay mua” mang đến hơn 500 mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, quần áo thời trang, đồ gia dụng... được giảm giá từ 5 - 50% với nhiều quà tặng, ưu đãi hấp dẫn.
Ảnh: Hoàng Long
CPI tháng 2 tăng mạnh
Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, giá thực phẩm, rau xanh sẽ hạ nhiệt chút ít sau một vài ngày nữa khi chợ họp bình thường trở lại và khi các siêu thị có nguồn hàng dồi dào. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường các năm, phải tới sau rằm Tháng Giêng, thực phẩm, rau xanh mới có thể quay về đúng giá cả thông thường khi việc cung cấp, vận chuyển hàng hóa trở lại bình thường.
Tuy nhiên, điều đáng bàn trong khi giá hàng hóa tại các chợ cóc, chợ lẻ tăng mạnh thì đại diện một số chủ trang trại chăn nuôi cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, giá lợn hơi bán ra chỉ khoảng 40.000 đ/kg. Giá thịt lợn tại các chợ đầu mối chỉ tương đương ngày thường và lượng tiêu thụ cũng chỉ tương đương mọi năm.
Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2013 sẽ tăng khoảng 1% so với tháng 1-2013. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,25%.
Chuyên gia thị trường Vũ Vĩnh Phú cho biết, giá cả sau Tết biến động thế nào là điều không thể bỏ qua, cứ sau dịp Tết Nguyên đán là lại thiết lập một mặt bằng giá mới. Dự đoán về CPI tháng 2, ông nói, Tết nguyên đán nằm trọn trong tháng 2, do vậy CPI sẽ tăng mạnh.
Còn theo tính toán của Bộ Tài Chính, ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như giá bán điện, giá bán than sản xuất điện…, tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp.
Thanh Giang - Hồ Hương (ddk.vn)