Thị trường tôm nội địa: Quá gần và quá xa
- Thứ ba - 09/09/2014 21:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thay đổi thói quen tiêu dùng...
Ở các nước phát triển, tỷ trọng sản lượng thủy sản khai thác dùng làm thực phẩm tăng từ 70% trong những năm 1980 lên 85% (136 triệu tấn) năm 2012. Tiêu thụ thủy sản theo đầu người tăng từ 10 kg trong những năm 1960 lên hơn 19 kg năm 2012. Mặt hàng tôm có giá trị giao dịch lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng giá trị giao dịch trên thị trường thủy sản. Mức tiêu thụ tôm ở các nước tăng cao (2,8 kg ở Mỹ và 3 kg ở Nhật Bản/người/năm). Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, thậm chí là nơi xuất khẩu mặt hàng tôm, tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều. Mức tiêu thụ tôm ở Thái Lan chỉ khoảng 0,8 kg/người/năm.
Tại một hội thảo quốc tế tại TP Hồ Chí Minh gần đây, các nhà nghiên cứu cho biết: 10 năm gần đây thị trường thủy sản phát triển mạnh, trong khi thị trường chăn nuôi chững lại và giảm nhiều. Tiêu thụ thịt bò, cừu giảm nhanh, trong khi tôm cá bán chạy.
Dường như ở nước đang phát triển, người dân vẫn tiêu thụ thịt gà, lợn, bò là chính. Đến các chợ đều thấy hàng thịt bò, lợn chiếm đa số, dù giá tăng. Nhiều thời điểm giá tôm xuống thấp nhưng tiêu thụ nội địa vẫn không tăng mạnh. Điều này được lý giải trước hết do thói quen. Kỹ năng chế biến tôm, bảo quản và sơ chế, nhất là nấu các món từ tôm của người dân còn hạn chế nên họ vẫn thích ăn tôm ở nhà hàng hơn tự nấu ở nhà riêng.
Và hệ thống phân phối
Tại chợ Bình Điền, chợ đầu mối lớn nhất TP Hồ Chí Minh, hằng ngày giá tôm thường thay đổi chóng mặt. Giá cao nhất lúc 3 giờ sáng, khi chợ mới họp và các xe chuyên chở tôm vừa mới đưa hàng vào vựa. Càng về sáng, mặc dù tôm vẫn được cấp ôxy trong bể, nhưng tôm yếu dần và chỉ vài giờ sau giá đã giảm 10 - 15%. Đến khi chợ gần tan, giá tôm lại thấp nữa và người ta tiêu thụ nhiều tôm chết với giá rẻ mạt.
Con tôm nhạy cảm thời tiết, điều kiện tự nhiên, môi trường, nên việc giữ tôm sống khỏe là khó. Tiêu thụ một vài kg tôm sú cũng đòi hỏi điều kiện lưu trữ, vận chuyển công phu mà lãi không nhiều. Điều này khiến giá tôm đến tay người dùng thường cao hơn 30% so với giá tại chợ Bình Điền. Bản thân giá bán tại chợ đầu mối đã khá chênh lệch, nếu so với giá bán ở các vùng nuôi. Tỉnh Đồng Tháp từng có mô hình liên kết với chợ Bình Điền, cung ứng thẳng cho chợ chứ không qua thương lái, nhằm tăng thu nhập cho người nuôi và giảm chi phí trung gian; nhưng đó cũng chỉ là giải pháp đơn lẻ của một địa phương.
TP Hồ Chí Minh đã có dự án xây dựng một “siêu thị thủy sản” với diện tích lớn. Nơi này sẽ có đủ cơ sở đảm bảo cung cấp hàng thủy sản tươi sống chất lượng cao, nhất là tôm, nơi bất kỳ lúc nào cũng có thể mua được tôm tươi với giá chợ đầu mối. Song, một số cán bộ ngành thủy sản cho biết, vẫn còn khó khăn trong thực hiện dự án này, bởi đây sẽ là dự án mở đầu tiên và cần sự liên kết chặt chẽ từ các tỉnh ĐBSCL, vì mặt hàng tôm nói riêng và thủy sản nói chung được nuôi trồng tại TP Hồ Chí Minh không đáp ứng đủ công suất của siêu thị này.
Xét góc độ thương mại, các công ty nuôi trồng chế biến tôm ở Việt Nam vẫn chưa mặn mà với thị trường trong nước, nên họ mở rất ít điểm tiêu thụ trong nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu thì lập hiệp hội nhưng tiêu thụ trong nước vẫn mạnh ai nấy làm và chủ yếu sản phẩm đã qua chế biến. Tiêu thụ tôm tươi sống phần lớn từ nông trại và nhờ thương lái.
>> Tại Thái Lan, khoảng 90% sản lượng tôm nuôi dành cho xuất khẩu. Họ tính rằng, tiêu thụ tôm nội địa tăng thêm 0,2 kg/người/năm thì thị trường đã có thể tiêu thụ thêm 12.000 tấn/năm, tăng 25%. Giải pháp Thái Lan đưa ra là kết hợp giữa người nuôi trồng và các nhà bán lẻ, đồng thời tổ chức lại các hợp tác xã, cùng đầu tư mở chợ bán buôn tôm.
Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam