Thị trường trái cây Việt Nam đang rất rộng mở

Thị trường trái cây Việt Nam đang rất rộng mở
Trái cây là mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong những năm vừa qua. Ngày 6/12 tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị nhằm “thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây” toàn quốc.

Trái cây sẽ qua mặt lúa gạo

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4,5 tỷ USD (tăng hơn 80% so với năm 2016), trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD (> 80%). Dự kiến năm 2030, xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu quả các loại trên 6 tỷ USD, giữ vững cán cân thương mại giữa xuất và nhập hơn 1,5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Khang, nguyên Chủ tịch UBND Tiền Giang, nhận xét: Trái cây sẽ không mấy chốc qua mặt lúa gạo. Nếu tổ chức sản xuất tốt, thị trường tiếp cận tốt thì thời gian sẽ ngắn hơn. Nếu truy xuất được nguồn gốc, tôi nghĩ trái cây của Việt Nam không chỉ dừng lại ở 40 nước.

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho rằng, giá trị cây ăn quả Tiền Giang tăng liên tục 6 năm qua. Diện tích cây sầu riêng hiện tại trên 9.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Cai Lậy và TX.Cai Lậy. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang quan tâm đến cơ chế hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, mong muốn được hỗ trợ các dự án đê bao cho 1.000 ha cây ăn trái ở huyện Cái Bè.

Đến nay, ĐBSCL vẫn là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, chiếm 38% diện tích của cả nước. Trong nhóm 10 loại trái cây cây ăn quả chủ lực gồm: thanh long, sầu riêng, chuối, dứa, xoài, cam, bưởi, vải, nhãn, chôm chôm, thì cây thanh long có diện tích (tăng 23,9%) và sản lượng (17,3%). Kế đến là sầu riêng với 17,6% tăng trưởng về diện tích và 44,2% về sản lượng, có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh nhất.

15-30-48_03_buoi_nm_roi
Bưởi Năm Roi - trái cây đặc sản vùng ĐBSCL

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, thời gian tới nên chú ý đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hơn là cứ tăng năng suất. Đồng thời, Bộ NN-PTNT ban hành các quy trình trồng cây ăn trái để xuất khẩu không bị trả về.  

Thị trường rộng mở

Xuất khẩu trái cây của Việt Nam những năm qua tạo được những dấu ấn mạnh mẽ, năm 2016 đạt 2,458 tỷ USD, tăng bình quân 1,25 lần/năm trong giai đoạn 2003-2016. Giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD tăng 43% so với năm 2016.

15-30-48_01_di_bieu_thm_qun_nhieu_loi_tri_cy
Đại biểu tham quan các loại trái cây tại hội nghị

Hiện nay, rau quả của Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều thị trường khó tính trong tiêu thụ các mặt hàng trái cây đã đồng ý nhập khẩu nhiều loại mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Ngày 26/12 sắp tới lô hàng vú sữa đầu tiên sẽ rời bến Việt Nam đến Hoa Kỳ.

Hiện nay, trái cây Việt Nam tiêu thụ chủ yếu dạng quả tươi, thị trường trong nước chiếm 80% sản lượng sản xuất. Kênh tiêu thụ hiện tại vẫn là kênh chợ truyền thống (chiếm 90%), một số lượng nhỏ được tiêu thụ qua kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị. Qua nhiều kênh trung gian phân phối đẩy giá thành lên rất cao.

Theo báo cáo của Cục BVTV cho biết, hiện nay một số thị trường đã cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV trên trái thanh long, điều đó làm quan ngại hơn về độ an toàn của trái cây Việt Nam khiến một số thị trường có thể có yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn đảm bảo ATVSTP.

Ông Đinh Cao Khuê, TGĐ Cty CP TPXK Đồng Giao cho biết: Hiện nay, xuất khẩu và tiêu thụ rau quả tăng trưởng cao. Bên cạnh việc xuất khẩu tươi, tôi nghĩ chúng ta cần chú ý đến chế biến các loại nông sản. Tôi kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện xuất khẩu các nơi thông qua tiếp hội chợ quốc tế về nông sản. Không có cách tiếp cận nào hiệu quả bằng tiếp cận hội chợ. Ở Mỹ có 2 kỳ hội chợ mùa đông, hội chợ mùa hè, nhưng các DN Việt Nam khó tiếp cận, vì vậy cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Hiện Cty đang xây dựng hai nhà máy chế biến nông sản ở Bắc Giang, Gia Lai để hướng tới mục tiêu tăng giá trị các mặt hàng nông sản Việt thông qua chế biến".

15-30-48_02_nhieu_loi_tri_cy_duoc_chung_by_ti_hoi_ngh_di_bieu_thm_qun_ti_hoi_nghi
Nhiều loại trái cây được trưng bày

Đồng quan điểm với ông Khuê, ông Matthias Ehrtmann, GĐ kinh doanh Khu vực phía Nam của Công ty Rieckermann (Đức), cho biết, ĐBSCL là vựa trái cây của cả nước, hiện nay chủ yếu là xuất khẩu trái cây tươi, thị trường trái cây qua chế biến còn bỏ ngỏ. Cty Rieckermann hoạt động mạnh trong nhiều lĩnh vực trên 125 năm của Đức, trong đó có hoạt động chế biến thực phẩm. Hiện nay, Cty có công nghệ chế biến trái cây tươi, trái cây cô đặc, đồ uống. Do đó, chúng tôi muốn nói đến một cách thức khác để nâng cao giá trị sản phẩm mà không phải phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là quản lý chất lượng cây giống. Vì vậy, các cấp, các ngành liên quan cần tập trung cho sản xuất và chất lượng cây giống. Các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, tổ chức thị trường như thế nào cũng còn nhiều thách thức.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại quy hoạch cho từng vùng, từng địa phương để khai thác tốt tiềm năng. Đẩy mạnh tăng cường chuyển giao KHKT, giống, giảm chi phí giá thành trên từng loại cây chủ lực. Hiện nay, cũng đang đối mặt với vấn đề dịch bệnh trên cây trồng, do đó không được chủ quan.

Về xuất khẩu, đẩy mạnh đàm phán khai thông các thị trường, nhằm giảm bớt các lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các thị trường có thể tiếp cận gồm: Nhật, Mỹ, Hàn, Nga, Canada. Đối với Trung Quốc, cần có định hướng chiến lược theo từng phân khúc thị trường. (Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT).

Các địa phương rà soát quy hoạch lại vùng sản xuất cây có múi hoang hóa, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Các vùng này sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xác định thị trường xuất khẩu trái cây để tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tiếp theo là xây dựng cánh đồng lớn để đáp ứng dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp. Các địa phương nên ban hành chính sách thúc đẩy áp dụng các biện pháp sinh học nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV. (Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV).
Thời gian qua Viện Cây ăn quả Miền Nam đã có nhiều nghiên cứu về chọn tạo thành công giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo vệ thực vật và công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Tuy nhiên, sản xuất, chế biến, bảo quản, xuất khẩu cây ăn quả ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ của biến đổi khí hậu. (TS. Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam).
MINH ĐẢM/nongnghiep.vn