Thịt heo Việt Nam khó xuất khẩu?
- Thứ ba - 11/07/2017 23:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc đang tìm đến Việt Nam qua con đường chính ngạch với những đơn hàng nghìn tấn thịt heo bao tiêu cả năm thông qua các công ty chuyên tư vấn xuất khẩu. Ðây thực sự là tin vui cho ngành chăn nuôi heo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu vẫn là nhiệm vụ bất khả thi đối với thịt heo Việt Nam vì chăn nuôi nước ta khó đáp ứng nhiều điều kiện mà thị trường nước ngoài đặt ra.
Nhiều trở ngại
Việt Nam nằm trong những quốc gia có ngành chăn nuôi hàng đầu thế giới với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, thế nhưng những năm qua, vẫn chỉ xuất khẩu tiểu ngạch heo sống sang Trung Quốc, còn xuất khẩu chính ngạch vẫn bế tắc.
Anh Quang, chủ trại heo ở Ðồng Nai cho rằng, không chỉ do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm lại mà còn do thịt ngoại nhập vào nhiều, cạnh tranh thị phần khiến chăn nuôi trong nước bị thu hẹp đầu ra, giá rẻ. Thua lỗ dẫn tới người nuôi thiệt hại không có sức đầu tư quy mô lớn, thiếu liên kết chuỗi khiến giá thành sản xuất cao, khó xuất khẩu, vì giá bán lẫn chất lượng khó cạnh tranh với các nước có ngành chăn nuôi công nghiệp khác.
Ông Phạm Ðức Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình (Ðồng Nai) cho biết, thịt heo Việt Nam khó xuất khẩu dù nhu cầu nhập khẩu thịt của nhiều nước trên thế giới là rất lớn. Ðó chính là vấn đề chất lượng thịt Việt Nam, chăn nuôi heo nước ta vẫn đang “phải sống chung” với dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng chưa kiểm soát được. Thứ hai vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt heo của Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ, đông lạnh của các công ty gần như chưa đạt các tiêu chuẩn cao do thế giới đặt ra.
“Giá thành chăn nuôi heo của Việt Nam vẫn còn cao hơn các nước trên thế giới, năng suất nái lại thấp hơn thế giới. Chi phi nhân công chăn nuôi của nước ta cũng cao hơn các nước trên thế giới, nếu nuôi một trại heo khoảng 1.800 con, Việt Nam cần tới 3 nhân công, trong khi nhiều nước trên thế giới chỉ cần 1 nhân công”, ông Bình chia sẻ.
Ðàm phán mở cửa
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nhu cầu tiêu dùng thịt heo tại các thị trường ngoài Việt Nam vẫn rất lớn. Ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Ðông Âu cũng có nhu cầu nhập khẩu các loại thịt từ Việt Nam nhưng doanh nghiệp không thể xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Thái Lan cùng nằm trong khu vực có dịch cúm gia cầm như Việt Nam nhưng nước này vẫn xuất khẩu được thịt gà đi nhiều quốc gia bởi Thái Lan đã làm tốt công tác triển khai các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đảm bảo các điều kiện của Tổ chức Thú y Thế giới nên doanh nghiệp vẫn có thể xuất khẩu. “Việt Nam cũng có thể làm được, bằng chứng là sắp tới một công ty chăn nuôi tại Ðồng Nai sẽ xuất khẩu thịt gà sang thị trường khó tính là Nhật Bản sau khi cơ quan thú y hai nước gặp nhau giải quyết các vướng mắc về vấn đề thú y. Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do, đây sẽ là cơ hội để xuất khẩu vào các thị trường cực kỳ lớn, tăng đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trong nước như Nga, Hàn Quốc…”, Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi vào danh mục xuất khẩu, chẳng hạn như thịt heo và trứng gia cầm đã được đưa vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu, nhất là tại các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Australia... Hiện, Bộ NN&PTNT cũng đã kết hợp cùng các ngành chức năng tăng cường tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu; Giúp người chăn nuôi gia tăng được lợi nhuận. Rõ ràng, muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các hiệp định thú y phải đi trước một bước.
>> Ngành chăn nuôi phải thay đổi“Trung Quốc mở cửa nhập khẩu lại heo Việt Nam nhưng đừng vội mừng vì rất khó để nước ta có thể đáp ứng những yêu cầu về thú y kiểm dịch. Theo tôi để ngành chăn nuôi Việt Nam xây dựng được vùng kiểm dịch an toàn, có quy trình giết mổ, đông lạnh an toàn phải mất thời gian rất lâu khoảng 18 tháng mới có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên muộn vẫn còn hơn không, Trung Quốc vốn là thị trường dễ tính nhưng giờ đã khác, yêu cầu chất lượng, dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, buộc chăn nuôi nước ta phải thay đổi”, ông Văn Ðức Mười, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi cho biết. |
Nguồn: nguoichannuoi.vn