Thịt heo chưa có đường sang Trung Quốc
- Chủ nhật - 25/06/2017 23:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vẫn là trở ngại
Thịt heo nói riêng và các sản phẩm nông sản nói chung hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch; trong khi thực tế nhu cầu của các thị trường trên thế giới là rất lớn. Mới đây, rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, Hàn Quốc muốn nhập khẩu sản phẩm thịt heo của Việt Nam với khối lượng hàng nghìn tấn sản phẩm nhưng chúng ta cũng chưa thể đáp ứng được.
Người chăn nôi heo vẫn khó đầu ra - Ảnh: Vũ Mưa
Chia sẻ của một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước, một trong những nguyên nhân chính là do vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt heo của Việt Nam vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ, đông lạnh của các công ty nước ta chưa đạt được các tiêu chuẩn cao do thế giới đặt ra. Mặt khác, giá thành chăn nuôi heo của Việt Nam vẫn còn cao hơn một số nước trên thế giới. Chẳng hạn, năng suất heo nái của thế giới sinh 25 con trong khi heo nái Việt chỉ sinh được tối đa là 18 con. Chính vì vậy, thời điểm này, chúng ta chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường quốc tế; trừ khi, các doanh nghiệp có sự liên kết hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Một bất cập khác của vấn đề này chính là việc sản xuất chăn nuôi trong nước tuy đã có đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm; nhưng lại chưa được quốc tế công nhận. Trong khi, các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ phần lớn chưa đảm bảo được vấn đề an toàn thú y và vệ sinh sản phẩm, vẫn còn tồn đọng hóa chất, kháng sinh…
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn
Không chỉ riêng với sản phẩm chăn nuôi mà với các sản phẩm nông sản khác đều cần đảm bảo yếu tố an toàn dịnh bệnh, an toàn chất lượng là hàng đầu. Bởi lẽ, thị trường tiêu thụ nội địa hiện cũng rất quan tâm đến chất lượng cũng như nguồn gốc của các sản phẩm được phân phối trên thị trường hiện nay. Còn với các thị trường quốc tế, vấn đề này là đòi hỏi tất yếu, khi rất nhiều quốc gia đã dựng lên hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong đó có Việt Nam.
Chính yêu cầu bức thiết đó mà Việt Nam cần có chiến lược bài bản xuất khẩu của ngành chăn nuôi: từ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, định hướng thị trường rồi xúc tiến thương mại. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi vào danh mục xuất khẩu. Chẳng hạn thịt heo và trứng gia cầm đã được đưa vào các chương trình đàm phán cấp cao với một số nước để sớm mở cửa xuất khẩu, nhất là tại các thị trường như Trung Quốc, Singapore, Australia... Bên cạnh đó, Bộ đã kết hợp cùng các ngành chức năng tăng cường tháo gỡ khó khăn, từng bước giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, giúp người chăn nuôi gia tăng được lợi nhuận.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, dù xuất khẩu sang Trung Quốc hay bất kỳ thị trường nào, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đều phải quan tâm tới công nghệ, chế biến sâu, đảm bảo được yêu cầu của thị trường quốc tế. Do đó, Bộ đã chỉ đạo phối hợp với các ngành chức năng trong nước hướng dẫn người người sản xuất, đặc biệt là hộ chăn nuôi quy mô nhỏ phải tìm hiểu sâu về thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó phải cơ cấu lại sản xuất, đảm bảo lượng thịt có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu. Về phía doanh nghiệp, Bộ khuyến khích doanh nghiệp nâng cao công nghệ chế biến, đặc biệt là chế biến sâu. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng đang tiếp tục tìm kiếm các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Những thị trường này cũng nhập thịt giết mổ qua chế biến và đặt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán: Để có thể khơi thông sản phẩm thịt heo tại các thị trường thế giới, hai Bộ là NN&PTNT và Công thương cần xây dựng các hiệp định thú y với nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu thịt lớn và tăng cường xúc tiến thương mại thì chắc chắn đầu ra của chăn nuôi sẽ rộng mở. Mặt khác, để xuất khẩu thịt đảm bảo đầu ra, các công ty chăn nuôi nên liên doanh, liên kết hợp tác với đối tác nhập khẩu, thậm chí bắt tay với các nhà bán lẻ nước ngoài để sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu của từng thị trường. |