Thịt lợn trên thị trường đảm bảo an toàn

Theo ông ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến thời điểm này, đã có gần 40.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu hủy,...
tr14.jpg
Lực lượng thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra việc buôn bán thịt lợn tại chợ Tây Lộc (TP. Huế). Ảnh: Hồ Cầu.

Theo ông ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đến thời điểm này, đã có gần 40.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu hủy, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khỏe mạnh thì cũng bị tiêu hủy. Con số này rất nhỏ so với tổng đàn. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn.

Thời gian qua, khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành ở một số tỉnh, thành phố, mặc dù đã có thông tin từ phía các nhà chuyên môn về DTLCP không gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu được nấu chín. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp, cơ sở giáo dục tẩy chay không dùng thịt lợn, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp.

Dịch không lây truyền và gây bệnh cho người

Tổ chức Lương – Nông của Liên Hợp quốc (FAO) cảnh báo, DTLCP không phải là mối nguy hiểm đối với con người nhưng lợn nuôi và lợn rừng khi mắc bệnh gần như 100% bị chết. Thịt lợn vẫn có thể được tiêu thụ an toàn khi nấu chín.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh DTLCP không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết  lên đến 100%.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, khuyến cáo mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng. “Bà con cần mua thực phẩm ở những cơ sở có uy tín, hợp pháp, thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch. Cần ăn chín, uống sôi, điều này sẽ loại bỏ các mầm bệnh từ thực phẩm”, bà Lan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, với việc kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng thời gian qua, hiện thịt lợn đang bán trên thị trường là sạch nhất từ trước đến nay.

Không chỉ lợn có bệnh mà mọi loại lợn không rõ nguồn gốc, heo ốm, thịt ôi thiu... đều đang được kiểm soát gắt gao.

Tẩy chay thịt lợn - Hành động thiếu tính cộng đồng

Mặc dù DTLCP không phải là mối nguy hiểm nếu người tiêu dùng sử dụng thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế biến bằng cách nấu chín nhưng một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp kinh doanh và trường học đã có thông báo về việc không dùng thịt lợn.

Ngày 19/3, nhiều người dùng mạng xã hội truyền tay nhau hình ảnh các tin nhắn được cho là của Công ty Samsung Electronics Việt Nam (Samsung Việt Nam - SEV) về việc “nói không” với thịt lợn trong nước.

Đây là những tin nhắn nội bộ (không dấu) SEV gửi đến các nhân viên của mình. Nội dung tin nhắn cụ thể như sau: “Chào bạn XXX, hiện nay, DTLCP đã xuất hiện tại Bắc Ninh. Từ ngày hôm nay, SEV sử dụng toàn bộ thịt lợn nhập khẩu từ Canada, Đức, Italia cho tất cả các thực đơn tại canteen SEV. Trân trọng thông báo!”.

tr14a.jpg
Người chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. Ảnh: Hoài Nam

Trước đó, trong thông báo do Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm La Cusina (trụ sở tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) Huỳnh Vũ Thị Minh Loan ký, phát đi ngày 8/3/2019, doanh nghiệp này tỏ ra lo lắng: “Thời gian gần dây, DTLCP xuất hiện và đang có chiều hướng lây lan rộng khắp các tỉnh, thành phố”. Đồng thời, tự kết luận rằng: Điều này gây nên sự hoang mang cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu của ngành thực phẩm chế biến, đặc biệt là tâm lý người tiêu dùng. Ban lãnh đạo công ty đã ngưng sử dụng thịt heo trong nước, chỉ sử dụng các nguồn thịt heo được nhập khẩu từ các nước không có nhiễm dịch lợn”. Doanh nghiệp này khẳng định: Nguồn thịt heo này đã được cơ quan Nhà nước kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm 100%; kết quả kiểm dịch là “100% sạch”, nguồn thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không liên quan các nước có nguồn nguyên liệu đang nhiễm bệnh dịch.

Không chỉ có các doanh nghiệp mà ngay cả một số trường học trên địa bàn Hà Nội cũng có những thông báo về việc không sử dụng thịt lợn trong suất ăn của học sinh trong thời gian có DTLCP.

Ngày 6/3, hệ thống Trường Mầm non Lá Phong Xanh phát đi thông báo với phụ huynh học sinh về việc điều chỉnh thực đơn. Theo thông báo, hiện nay DTLCP đang bùng phát mạnh. Mặc dù công ty chuyên cung cấp thực phẩm cho trường đã có bản cam kết về nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khoẻ cho các con, nhà trường sẽ cho các con tạm dừng ăn thịt lợn và điều chỉnh thực đơn trong thời gian này.

Cụ thể: Các món ăn chế biến từ thịt lợn sẽ được thay thế bằng các thực phẩm khác như (thịt gà, thịt bò, tôm, cá…). Thời gian thay đổi: Từ thứ 5 ngày 7/3/2019 đến khi hết dịch bệnh.

Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ Tài Năng (số 7/56/221 Tôn Đức Thắng, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cũng thông báo về việc thay đổi thực đơn cho học sinh. Mặc dù nhà trường khẳng định, công ty cung cấp thực phẩm cho trường có cam kết về nguồn gốc thịt lợn, nhà trường cũng cho rằng không nên “tẩy chay” thịt lợn nhưng để đảm bảo sức khỏe cho các con và tránh tình trạng nhiều phụ huynh lo ngại, trường sẽ hạn chế đưa thịt lợn vào thực đơn.

Trước đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đống Đa (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Bích Liên xác nhận, nhà trường tạm dừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của trẻ. Món ăn này được thay thế bằng các thực phẩm như tôm, bò, gà, trứng… để đảm bảo trẻ vẫn có đủ dinh dưỡng cần thiết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ngay sau khi biết một số cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội không đưa thịt lợn vào thực đơn của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội yêu cầu các trường học không loại bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn. Sở cũng yêu cầu các trường đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ thịt lợn và đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Để người tiêu dùng không tẩy chay thịt lợn, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh tuyên truyền về DTLCP không lây bệnh cho người, sử dụng thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chỉ ăn khi đã nấu chín. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông và các tổ chức xã hội.

Người tiêu dùng không nên lo lắng và hãy sử dụng thịt lợn cho bữa ăn của mình để bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, đặc biệt là đối với các nhà trường, cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, không nên loại bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn của học sinh, người lao động.

Trước tình trạng nhiều người tiêu dùng có tâm lý hoang mang về việc sử dụng thịt lợn, một số người còn e ngại khi ăn thịt lợn hoặc quay sang sử dụng các loại thực phẩm khác, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT),  cho rằng, điều này là khó tránh khỏi.

Theo ông Dương, có tới 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn. Do đó, không thể một sớm một chiều chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác như gia cầm, thủy sản…

“Hiện nay đã có hơn 34.000 con lợn bị bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu hủy, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khỏe mạnh thì cũng bị tiêu hủy. Con số này rất nhỏ so với tổng đàn. Còn lại, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn”, ông Dương chia sẻ.

Lấy ví dụ tại Tây Ban Nha, nước này phải chiến đấu với DTLCP tới nay đã 35 năm, song các sản phẩm từ thịt lợn như đùi lợn muối, đùi lợn xông khói vẫn tiêu thụ rất tốt, ông Dương lý giải: “Câu trả lời là vì họ kiểm soát dịch bệnh rất tốt, mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều đảm bảo an toàn. Như vậy, lợn đang lưu hành trên thị trường là lợn không có bệnh, không có lí do gì để chúng ta không sử dụng. Một lần nữa, chúng ta kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng lại với chăn nuôi, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch”.

Ông Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi CP VN (Biên Hòa, Đồng Nai) dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT,  nước ta  tiêu thụ 10.000 tấn thịt heo/ngày.

Việc quay lưng với thịt heo của người tiêu dùng đã làm giảm 50% số thịt heo tiêu thụ.

Chỉ lấy mức giá giảm 10.000 đồng/kg so với trước khi xảy ra dịch bệnh, thiệt hại của ngành chăn nuôi lên đến 100 tỉ đồng/ngày, tức 3.000 tỉ đồng/tháng.

Trong khi đó, với gần 40.000 con heo đã tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, thiệt hại cũng chỉ khoảng 200 tỉ đồng, tương đương lượng tiền mà ngành chăn nuôi mất đi do giá giảm chỉ trong  2 ngày.

"Nhưng còn thiệt hại lớn hơn chưa tính toán được, đó là lượng heo không tiêu thụ được sẽ tốn kém tiền thức ăn hơn, dễ phát sinh dịch bệnh hơn và người dân khó có điều kiện để tái đàn hơn",  ông Lực cho hay.



                                                                                                                

 Ngọc Thủy/kinhtenongthon.com.vn