Thời cơ xuất khẩu trái cây
- Thứ năm - 03/10/2013 09:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy vậy, sau những tín hiệu vui này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc biệt là làm thế nào để có đủ sản lượng và chất lượng cung cấp ổn định theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nếu không làm được, nguy cơ mất thị trường hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần.
Theo số liệu từ Viện cây ăn quả miền Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta liên tục tăng mạnh trong thời gian dài. Nếu như năm 2005, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 235 triệu USD thì đến năm 2012 con số này tăng hơn 03 lần, ước trên 800 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này đạt trên 21%.
Theo Bộ Công thường thì 9 tháng đầu năm 2013 , xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch đạt được trên 724 triệu USD, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2012, được đánh giá là mức tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đang có mức sụt giảm về số lượng cũng như giá bán.
Là vùng sản xuất trái cây trọng điểm của cả nước, ĐBSCL đã được tập trung đầu tư các chương trình với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho định hướng xuất khẩu rau quả. Nổi bật là công tác quy hoạch vùng, xác định các loại trái cây trọng điểm và áp dụng quy trình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP. Nhiều mô hình canh tác các loại trái cây đặc sản của vùng như vú sữa, bưởi, chôm chôm, xoài, nhãn, thanh long… đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP. Đây là tiền đề rất quan trọng để đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, đàm phán hiệp định mở cửa vào các thị trường có giá trị cao.
Tuy vậy, nếu so với nhu cầu thực tế thì vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu vẫn còn quá nhỏ. Hiện đang tồn tại một nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa xuất khẩu, thì nhà vườn lại vẫn phải đối mặt với tình cảnh trúng mùa, rớt giá do thiếu thị trường tiêu thụ. Hay nói cách khác, thời cơ xuất khẩu trái cây đã có nhưng chúng ta vẫn chưa nắm bắt kịp thời.
Trong kim ngạch xuất khẩu, thanh long là loại trái cây có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, chiếm gần 50% trong tổng giá trị các loại trái cây xuất khẩu. Đây cũng là loại cây trồng có diện tích được canh tác theo tiêu chuẩn GAP tốt nhất với hơn 5000 ha. Ngoài Trung Quốc thì trái thanh long còn đang thâm nhập mạnh vào nhiều thị trường khác có giá trị cao, đặc biệt là EU, Hoa Kỳ, Nhật, Singapo. Đây có thể xem là điểm sáng trong liên kết giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp tiêu thụ nhằm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu ở nhiều thị trường khác nhau.
Còn lại các loại trái cây khác đang có nhu cầu cao trên thị trường xuất khẩu như xoài, nhãn, bưởi…, thì diện tích vùng nguyên liệu hầu như không phát triển. Theo các nhà chuyên môn, đây là hệ quả của việc sản xuất thiếu gắn kết với thị trường tiêu thụ ở ĐBSCL.
Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng qua thực tế cho thấy, có nhiều giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Trong đó việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà vườn ngay khi thực hiện xây dựng các mô hình canh tác theo GAP là hướng đi mang tính bền vững.
Cụ thể như trường hợp của trái bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre. Ngay từ khi Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Phú Thành thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn Viet GAP, tỉnh Bến Tre đã gắn kết với cơ sở Hương miền Tây để xây dựng hệ thống nhà kho tiêu thụ sản phẩm. Khi có được vùng nguyên liệu, doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Nhà vườn có được nơi tiêu thụ với giá cả hợp lý sẽ mạnh dạn thay đổi quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, có truy nguyên nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài các tiêu chuẩn theo quy trình GAP, vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu còn đòi hỏi phải có sản lượng ổn định. Một lợi thế lớn ở ĐBSCL là có thể điều chỉnh nhiều loại trái cây đặc sản cho trái quanh năm. Với kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, nhiều loại trái cây ở ĐBSCL có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã có đề án quy hoạch vùng trái cây rải vụ để phát huy lợi thế này.
Ngoài chất lượng và sản lượng, nhiều nước nhập khẩu trái cây còn đòi hỏi thêm thông tin về mã số vùng sản xuất và mã số hàng hóa. Để đáp ứng yêu cầu này, trong thời gian vừa qua, Viện cây ăn quả miền Nam phối hợp với Trung tâm kiểm dịch vùng 2 đã cấp được khoảng 08 mã số vùng sản xuất cho nhiều loại trái cây như thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài tại tỉnh Tiền Giang. Từ khi có mã số vùng, các loại trái cây này đã được thị trường New Zealand, Hàn Quốc chấp nhận nhập khẩu với số lượng lớn.
Hiện có 76 quốc gia nhập khẩu rau quả của nước ta. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của rau quả tươi và chế biến , chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường có giá trị cao như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU đều đạt được mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2013 cũng ghi nhận có sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu ở các thị trường mới nổi như Malaysia, Lào, Thái Lan, New Zealand.
Với tình hình hiện tại, mục tiêu phấn đấu đạt 01 tỷ USD của ngành xuất khẩu rau quả có rất nhiều triển vọng sẽ đạt được trong năm 2013.
Theo thvl.vn