Thu mua tạm trữ lúa gạo Nông dân đã được hưởng lợi?
- Thứ tư - 15/05/2013 00:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại cuộc họp báo thông báo kết quả thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14/5.
Giá lúa tăng
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, năm nay, Chính phủ chỉ đạo thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo sớm hơn một tháng so với vụ đông xuân năm ngoái. Các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phối hợp đồng bộ và tích cực vào cuộc thực hiện chính sách này. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 7.612 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ, đạt 95% kế hoạch.
Chính sách thu mua tạm trữ gạo đã tạo điều kiện để nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất. Ảnh: Huy Hùng
Theo thống kê của VFA, từ 20/2 - 31/3, đã có 116 trên tổng số 120 thương nhân được phân chỉ tiêu tham gia thu mua tạm trữ đủ 1 triệu tấn quy gạo, đạt 100% kế hoạch. Trong quá trình mua tạm trữ, giá mua lúa khô loại thường (IR 50404) tại ruộng đạt từ 5.100 - 5.300 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tạm trữ 100 - 200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhận định, thu mua tạm trữ vụ đông xuân vừa qua là biện pháp kịp thời và hiệu quả của Chính phủ giúp tăng giá lúa, đảm bảo để người nông dân có lãi.
Vẫn cần sửa đổi
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với giá thành sản xuất lúa bình quân toàn vùng vụ đông xuân 2012 - 2013 là 3.616 đồng/kg, phần chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành là từ 38 - 46%. Tuy nhiên, phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng và không giống nhau ở các địa phương. Nguyên nhân là do tỷ lệ lúa gạo được các DN thu mua trực tiếp của nông dân còn thấp và đặc thù mùa vụ của mỗi địa phương không giống nhau.
Ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết thêm, qua kiểm tra thu mua tạm trữ cho thấy, để phân giao đồng đều cho các địa phương là rất khó và kết quả tạm trữ cũng chưa có tác động như mong muốn. Hơn nữa, lượng lúa gạo được thu mua tạm trữ còn thấp, chỉ bằng khoảng 15% tổng sản lượng cần tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, một số địa phương vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ lúa gạo.
Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian tới cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa VFA và UBND các tỉnh, đồng thời các thương nhân phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 13, Nghị định 109/NĐ - CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, trong tháng 5/2013, VFA và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục thảo luận để tìm ra giải pháp ổn định thị trường lúa gạo.
Theo nhiều ý kiến, một giải pháp quan trọng để giữ giá lúa gạo trong nước có lợi cho nông dân là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn và gắn kết chặt chẽ giữa DN với nông dân trong sản xuất lúa.q
Tính đến 30/4, các DN trong nước đã ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo được 4,23 triệu tấn. Hiện đã giao trên 2 triệu tấn theo hợp đồng. Bên cạnh các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường mới như Nam Mỹ, Châu Phi... |
Thiên Tú (ktdt.com.vn)