Thủ tướng: Đừng để gạo của quốc gia khác “nằm đầy kệ ở Việt Nam”

Chỉ đạo tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần có cách phục vụ tốt cho thị trường trong nước trong thời gian tới, đừng để gạo của quốc gia khác “nằm đầy kệ ở Việt Nam”.

Doanh nghiệp mong Chính phủ gỡ khó từ những cái đã có

Sáng nay (15/3), tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Đến dự hội nghị còn có lãnh đạo, ngành, địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: "Hội nghị lần này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, thách thức từ môi trường, cạnh tranh thế giới về xuất khẩu gạo… Vậy ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL chuẩn bị như thế nào? Chính quyền địa phương có xắn tay vào ngành này hay chưa? Hội nghị hôm nay, tôi cần các đại biểu, doanh nghiệp nói thật, nói thẳng những vướng mắc trong sản xuất và xuất khẩu ngành hàng lúa gạo để cùng Chính phủ xây dựng một thương hiệu gạo lớn, chất lượng mang tầm cỡ quốc gia".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh An Giang đến thăm cánh đồng lúa chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh An Giang đến thăm cánh đồng lúa chất lượng cao của Tập đoàn Lộc Trời

Từ ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện doanh nghiệp Trung An (TP Cần Thơ) trình bày những cái khó của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo doanh nghiệp này, từ năm 2012, công ty đã đến TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang xây dựng cánh đồng liên kết và đến nay có trên 6.000 ha sản xuất lúa thơm và chất lượng cao. Khi đến các địa phương này, lãnh đạo các tỉnh rất nhiệt tình chào đón công ty. Tuy nhiên, hiện nay để ngành lúa gạo tiếp tục phát triển thì Chính phủ cần tháo gỡ những cái khó đang tồn tại ở khâu chính sách, điều chình những điều chưa hợp lý.

"Doanh nghiệp (DN) được Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét thẩm định nhiều việc từ kho đến vùng nguyên liệu mới được cấp giấy phép xuất khẩu, nhưng đến khi DN có hợp đồng xuất khẩu gạo thì phải chờ cái dấu của Hiệp hội lương thực Việt Nam. Vậy cái dấu của Hiệp hội to hơn Chính phủ, Bộ Công Thương?", đại diện doanh nghiệp này bức xúc.

Đại diện Công ty Vinafood 1 cũng chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; sử dụng phân thuốc còn nhiều và chi phí lao động, thất thoát sau thu hoạch còn cao… Chính những điều này làm giá thành hạt gạo của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Indonesia, Campuchia… chất lượng vượt trội, đồng đều, gạo Việt chất lượng chưa cao, không ổn định một phần ở khâu giống, vì hiện nay Việt Nam có trên 200 giống lúa, trong khi Thái Lan chỉ có 20 giống lúa.

'Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày gạo của các DN xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày gạo của các DN xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam

Đại diện Vinafoo 1 kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét mở rộng hạn điền; bỏ thuế suất 5% VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo; kiểm soát việc sản xuất và sử dụng phân bón; tăng cường công tác liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; dự báo thị trường… đặc biệt là nâng cao chất lượng hạt gạo.

Đại diện An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho rằng, ngành lúa gạo An Giang cũng như vùng ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức như: sản lượng đã cao nhưng chất lượng hạt gạo chưa đáp ứng nhiều thị trường khó tính; nông dân chưa quen sản xuất theo chuỗi giá trị; Thông tin liên lạc, thị trường cho DN còn hạn chế và gần đây là tình hình biển đổi khí hậu cũng là thách thức lớn cho ngành lúa gạo vùng ĐBSCL.

'Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại An Giang'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại An Giang

Từ những thách thức này, ông Thạnh kiến nghị, Chính phủ cần nâng mức hỗ trợ lúa nước cho nông dân từ 1 triệu đồng/ha lên 3 triệu đồng/ha; xóa bỏ thuế suất 5%VAT cho DN xuất khẩu; xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng gạo tại vùng ĐBSCL để các DN không phải lên tận TP Hồ CHí Minh; xây dựng quỹ bình ổn giá để Chính phủ khỏi bỏ ra số tiền lớn mua gạo tạm trữ…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), nhìn nhận những thách thức trong ngành nông nghiệp hiện nay là do thời gian qua, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hoá khó khăn; tốc độ hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm còn chậm, gây khó khăn cho việc thu mua và kiểm soát chất lượng gạo; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản còn thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản; hoạt động phát triển thương mại, nhất là xuất khẩu còn yếu; thể chế và chính sách liên quan đến ngành lúa gạo còn chậm thay đổi.

Tập trung xây dựng thương hiệu gạo quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ý kiến: “Tôi và Bộ trưởng ghé thăm nhiều gian hàng gạo được trưng bày trước Hội nghị nhưng Chính phủ và Bộ NN&PTNT chưa nhận ra được một thương hiệu lớn".

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần có cách phục vụ tốt cho thị trường trong nước trong thời gian tới, tức là chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, đừng để gạo của quốc gia khác “nằm đầy kệ ở Việt Nam”.

"Nhiều năm qua, gạo Việt Nam đã xuất đi đến hàng trăm nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ đó góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả trồng lúa rất thấp, lãi cao nhất chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. Người dân bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi” – Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới ngành lúa gạo có nhiều thách thức nhưng nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước cần tập trung sản xuất ngành lúa gạo theo hướng chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới ngành lúa gạo có nhiều thách thức nhưng nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước cần tập trung sản xuất ngành lúa gạo theo hướng chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam

Theo Thủ tướng, ngành lúa gạo nước ta sử dụng nhiều lao động, sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước nhiều nên chi phí cao, khó cạnh tranh với lúa gạo nước khác về giá. Vì vậy, thời gian qua, nhiều loại lúa gạo của nhiều nước dễ đưa vào Việt Nam bày bán.

Thủ tướng cho rằng, năm 2017 và những năm tới đây, ngành lúa gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nên đòi hỏi phải sớm tái cơ cấu và cần tầm nhìn mới đi kèm với những hoạch định chiến lược, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới.

"Các bộ, ngành, địa phương và nông dân cùng nhau tập trung xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam. Thay đổi quy mô trong sản xuất lúa bằng cách mở rộng hạn điền, tổ chức mô hình HTX kiểu mới, có cơ giới hoá nông nghiệp. Các địa phương cần mở rộng khuyến khích tư nhân vào đầu tư cho ngành nông nghiệp; mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sở dụng đất cho DN tư nhân… Tất cả DN, nông dân và chính quyền địa phương cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng Việt Nam và sửa nhiều nghị định chưa phù hợp trong tình hình mới” – Thủ tướng nói.

Ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.
Ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng nhà nước tiếp thu các ý kiến tại hội nghị. Trong đó, Bộ NN&PTNT xem xét về chính sách mở rộng hạn điền để trình quốc hội thảo luận; Bộ Tài Chính xem xét về chính sách ngân sách tài chính cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng cho ngành nông nghiệp, chính sách thuế… Ngân hàng Nhà nước xem lại lãi suất cho nông dân vay sản xuất và DN vay xuất khẩu thế nào. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương không đưa ra nhiều quy định khó cho DN, không nên trao cho Hiệp hội lương thực nhiều quyền không nên có...

Theo các báo cáo tại hội nghị, năm 2016, các DN xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%)… Ước tính, 2 tháng đầu năm nay, các DN xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Nguyễn Hành
Theo dantri.com.vn