Thức ăn bền vững cho tương lai
- Thứ năm - 10/11/2016 08:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại sao thức ăn chế biến từ côn trùng có khả năng trở thành nguồn thức ăn bền vững trong ngành chăn nuôi heo, gia súc và gia cầm?
Luật pháp châu Âu không cho phép sử dụng bột côn trùng làm thức ăn cho những vật nuôi làm thực phẩm. Luật này đã đưa côn trùng vào nhóm “gia súc”, cùng phạm trù với heo, gia cầm, gia súc và đã gây ra những rắc rối lớn vì luật TSE EC 99/2001 lại cấm dùng “gia súc” làm thức ăn nuôi “gia súc”. Một trở ngại lớn nữa chính là côn trùng phải được chế biến theo Quy định sản phẩm phụ động vật của EU (1069/2009) để trở thành sản phẩm protein động vật đã qua chế biến trước khi chúng được sử dụng làm TĂCN. Điều này có nghĩa côn trùng phải bị “giết mổ” theo tiêu chuẩn giống như giết mổ và chế biến gia súc.
Tìm kiếm nguồn thức ăn chăn nuôi bền vững là sứ mệnh khó khăn trong tương lai Nguồn: Feednavigator
Rõ ràng, điều này là không thể và đang làm khó những nhà sản xuất thức ăn từ côn trùng. Ngoài ra, các nhà sản xuất thức ăn từ côn trùng còn phải tuân theo chuẩn thực phẩm của EC 183/2005 về vấn đề an toàn vệ sinh TĂCN.
Liệu côn trùng có thể trở thành nguồn TĂCN bền vững trong tương lai?
Những chuyên gia trong ngành TĂCN toàn cầu đã nghiên cứu kỹ lưỡng và khẳng định côn trùng chính là nguồn thức ăn chăn nuôi giá trị và có khả năng thay thế các nguồn protein khác. Với các loài thủy sản nuôi, chắc chắn côn trùng sẽ là nguồn thức ăn thay thế bột cá đắt đỏ và không bền vững. Ở hội nghị GOAL 2014 của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) tại TP Hồ Chí Minh, người ta đã chính thức giới thiệu và quảng bá sản phẩm bột côn trùng ngay tại các cuộc hội thảo. Năm 2013, đạm động vật chế biến từ những loài không phải gia súc gia cầm (loài nhai lại) được EU cho phép sử dụng trở lại.
Mặc dù không được sử dụng rộng rãi từ trước tới nay ở EU, nhưng bột côn trùng đang dần trở thành nguồn thức ăn nuôi cá hồi rất phổ biến. Việc sử dụng bột côn trùng có nhiều chuyển biến tốt dù hàm lượng sử dụng không thể sánh bằng bột cá hay khô đậu. Bởi vậy, tôi tin và kỳ vọng côn trùng sẽ là một nguồn nguyên liệu đặc biệt từ những ngày đầu tiên người ta phát hiện ra nó. Giá của bột côn trùng vẫn khá cao nên các hãng chế biến đang tính đến việc sản xuất công nghiệp để giảm giá bán sản phẩm. Nhà sản xuất TĂCN Coppens của Hà Lan đã bắt đầu lên kế hoạch sản xuất TĂCN tổng hợp cho heo và gà với quy mô lớn từ bột côn trùng. Họ đã dùng chất béo côn trùng (được sản xuất bởi Protix) để phối trộn với TĂCN và được sẽ sớm tung sản phẩm mới ra thị trường. Hiện, chất béo côn trùng đã được phép sử dụng làm TĂCN gia súc.
Ngành sản xuất thịt có cân nhắc tới việc sử dụng côn trùng làm TĂCN trong tương lai?
Tôi nghĩ mối quan tâm chính với ngành chế biến thịt hiện nay là mức độ an toàn của sản phẩm và sự chấp nhận của người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới lĩnh vực sản xuất thực phẩm và các thực hành trong chăn nuôi nên họ có thể hoài nghi liệu TĂCN từ côn trùng có đảm bảo an toàn cho chất lượng thịt gia súc gia cầm? Nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành nhằm đánh giá cảm nhận của người tiêu dùng về những thực phẩm thịt từ vật nuôi có sử dụng bột côn trùng làm thức ăn.
Theo kết quả khảo sát mới đây về côn trùng của dự án do EU tài trợ (PROteINSECT), 70% người tiêu dùng sẵn sàng ăn thực phẩm từ những vật nuôi theo chế độ ăn có sử dụng côn trùng, nhưng trên nhãn mác sản phẩm phải ghi rõ thông tin này cùng lượng côn trùng sử dụng là khoảng bao nhiêu %. Việc sử dụng côn trùng (như một nguồn protein trực tiếp) làm thực phẩm cho người ngày càng trở nên phổ biến hơn. Bánh burgers dế và các loại sâu đã chính thức được bày bán trên các kệ hàng ở nhiều siêu thị. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ dành cho một thị trường ngách với lượng khách hàng nhỏ nên những công ty sản xuất thịt gia súc gia cầm cũng không lo sợ người tiêu dùng sẽ mua ít thịt heo, thịt gà hay thịt bò hơn trước chỉ vì đã có nguồn cung đạm động vật khác từ côn trùng.
Sẽ phải mất thời gian bao lâu để thị trường thức ăn thay thế thực sự phát triển và được mở rộng?
Điều này tùy thuộc cơ chế luật pháp. Tôi hy vọng năm 2016 châu Âu sẽ hoàn tất sửa đổi và cho phép bột côn trùng được sử dụng làm nguyên liệu TĂCN. Ban đầu là nuôi cá, sau đó sẽ nuôi heo, gà và gia súc. Tôi nghĩ ngành nuôi thủy sản và gia cầm là những lĩnh vực tiềm năng nhất vì lượng tiêu thụ ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Như tôi đã nói từ trước, khối lượng bột côn trùng có thể bị giới hạn sử dụng ngay từ đầu. Côn trùng có được sử dụng rộng rãi hay không lại phụ thuộc vào giá cả, chất lượng và sự sẵn có.
Ngành TĂCN toàn cầu vẫn đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Các nhà sản xuất bột cá và khô đậu cũng đang phải đối mặt thách thức này, nên buộc phải đổi mới, cải tiến sản xuất để tạo ra những sản phẩm bền vững hơn.
Sử dụng thức ăn thay thế có thể giải quyết phần nào đó nạn ô nhiễm từ các trại nuôi gia súc gia cầm quy mô lớn. Liệu chúng ta có cần phải thay đổi về mặt tổng thể hệ thống sản xuất thực phẩm hiện nay?
Việc nghiên cứu nguồn thức ăn thay thế là điều nên và cần phải làm. Giá và sự sẵn có nguồn cung luôn là những vấn đề chính, vì hiện TĂCN đang chiếm tới 60% chi phí sản xuất. Cùng đó, những đột phá và phát minh công nghệ mới sẽ giúp ngành nông nghiệp vận hành hiệu quả hơn và giảm được ô nhiễm. Sử dụng thức ăn thay thế thông minh có tác dụng giảm lượng chất thải methane từ gia súc; cách thức xử lý phân và chất thải thông minh cũng giảm sử dụng năng lượng đầu vào tại các nhà máy nghiền thức ăn. Có rất nhiều cải tiến trong sản xuất và tất cả đều nhằm mục đích sản xuất tốt và hiệu quả hơn, giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường và cuối cùng là mang lại sản phẩm tốt và chất lượng cho người sử dụng.
Trân trọng cảm ơn bà!
http://nguoichannuoi.com/