Thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa.
Thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa

Thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa. Ảnh minh họa: TTXVN

Điều này nhằm ổn định thị trường và kiểm soát nguồn cung trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, chủ động kết nối nhà phân phối và nông dân tại các vùng sản xuất nông sản để thúc đẩy tiêu dùng trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là đối với các loại nông sản, thịt gia súc thu hoạch rộ trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. 

Đặc biệt, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo. 

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá. 

Hơn nữa, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. 

Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường nội địa dự báo sẽ ít có những biến động bất thường. Các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm (giá có tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu... nhưng sẽ được kiểm soát từ phía nhà nước), các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo trong những tháng cuối năm thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như: giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới biến động khá mạnh, nhu cầu tiêu thụ điện, nước sinh hoạt, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng… 

Bên cạnh đó, do hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các biến động về tỷ giá, cộng thêm thời tiết các tháng cuối năm được dự báo tiêu cực khi đã bước vào mùa mưa bão diễn biến bất thường sẽ là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến thị trường nội địa. 

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 7 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 371.451 tỷ đồng tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng lưu ý, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tính đến thời điểm này, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt 2.493,391 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong đó, mức tăng chủ yếu vẫn tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình (các nhóm chiếm tỷ trọng lớn). Đặc biệt, nhóm du lịch tăng mạnh 17,7% so với cùng kỳ năm trước do đã vào mùa du lịch và ảnh hưởng của sự phục hồi kinh tế và nỗ lực phát triển của ngành du lịch. 

Dù vậy, toàn ngành công thương nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt khoảng từ 4.269 - 4.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10 - 10,5% so với năm trước./.