Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường trái cây: Cần thận trọng
- Thứ hai - 01/08/2016 03:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Mượn” đầu nậu Việt để vét hàng, ép giá
Ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận - cho biết: Đi dọc quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam, người ta dễ dàng nhìn thấy bảng hiệu các công ty xuất khẩu thanh long đều có kèm theo chữ Trung Quốc bên cạnh chữ Việt. Xã Hàm Thạnh là nơi trồng nhiều thanh long nhất ở vùng trọng điểm Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thương lái Trung Quốc đến rất đông và trực tiếp thương lượng giá mua ngay tại vườn. Không ít cơ sở, DN trong tỉnh liên kết với người Trung Quốc thu mua thanh long của nông dân trong vùng. Các DN còn tạo điều kiện cho các thương lái Trung Quốc ăn ở, làm việc trong cơ sở của mình để thuận lợi hơn trong hoạt động vét trái cây đưa về nước.
Thanh long được thương lái Trung Quốc về tận vườn núp bóng các đầu nậu trong nước để thu gom, trốn đăng ký đầu tư.
“Hầu hết các hoạt động thu mua thanh long tại Bình Thuận hiện nay đều để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tình trạng này rất nguy hiểm. Về lâu dài, thương lái Trung Quốc dễ gây khó dễ, thậm chí ép giá, thị trường không ổn định thì thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về nông dân. Các DN trong nước tạo “bình phong” để các DN Trung Quốc “núp bóng” sẽ gây thiệt hại về kinh tế, gây thất thu thuế và thậm chí mất ổn định trị an trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, vận động các DN Trung Quốc đăng ký kinh doanh, đầu tư làm ăn đàng hoàng, công khai, nhưng số lượng DN đăng ký rất ít, chỉ 2-3 DN đăng ký ban đầu, nhưng sau đó không thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo. Tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nghiêm. Tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tạo điều kiện để khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn, nhưng việc đầu tư, làm ăn phải công khai, minh bạch”.
Ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai - thẳng thắn thừa nhận: Trái cây trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quả sầu riêng đang được các thương lái lùng mua ráo riết và giá cả trồi sụt tùy theo sức “ăn hàng” của các thương lái Trung Quốc. Khi thương lái ngừng mua, giá sầu riêng đã rớt thê thảm, hàng loạt trái cây phải “neo” trên cây chờ phía Trung Quốc mua hàng trở lại. Nhiều đầu nậu trên địa bàn tỉnh trở thành khâu trung gian gom hàng cho các thương lái này mà hoàn toàn không ý thức được đang tiếp tay cho việc trốn tránh đăng ký kinh doanh của các đối tượng này, gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương.
Không thể để thương lái Trung Quốc thao túng thị trường
Tại Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định xử phạt 410 triệu đồng đối với 17 đối tượng với hành vi nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại địa phương nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tỉnh cũng đã xử phạt 50 triệu đồng đối với 2 đối tượng người Trung Quốc có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, tịch thu 12 tấn thanh long đã đóng gói. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 cơ sở, DN thu mua thanh long hơn 235 triệu đồng.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh cho biết, địa phương cũng vận động bà con trồng thanh long và nhiều loại trái cây khác theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và các tiêu chuẩn an toàn khác để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn tiềm năng như Australia, Hoa Kỳ, EU, không quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.
“Các DN trong tỉnh cần hợp tác kinh doanh theo đúng chính sách pháp luật của Việt Nam, không tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài núp bóng, trực tiếp tổ chức thu mua, đóng gói, vận chuyển trái thanh long đi tiêu thụ làm xáo trộn thị trường. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”. Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã đề nghị và hướng dẫn các thương nhân Trung Quốc có thể liên doanh đầu tư với DN trong tỉnh hoặc đăng ký thành lập DN 100% vốn nước ngoài để tiếp tục kinh doanh tại địa phương.
“Tại Đồng Nai, hiện đã có 5 dự án liên kết đã được duyệt. Trong năm 2016, Đồng Nai cố gắng phấn đấu triển khai khoảng 20 dự án, trong đó tập trung vào các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị xuất khẩu” - ông Phạm Minh Đạo khẳng định. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thanh long chính ngạch qua 11 nước chỉ được khoảng 4.100 tấn. Trong khi đó, xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu Trung Quốc lên tới trên 285.000 tấn. Vì vậy, giá thanh long hầu như phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nếu muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này, trái thanh long Bình Thuận cần có thêm nhiều thị trường khác tiêu thụ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang - cũng tỏ ra lo ngại: “Nếu không được bảo hộ ở nước ngoài kịp thời, có thể những nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh không còn thuộc về những chủ nhân thực thụ. Dù đã được đăng ký bảo hộ trong nước nhưng khi bị đánh cắp thương hiệu ở nước ngoài thì sản phẩm sẽ không xuất khẩu được”.
Theo danviet.vn