Thương lái ép giá, người nuôi heo khốn khó
- Thứ năm - 08/11/2012 21:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thương lái mặc sức ép giá Những ngày qua, sau khi có thông tin một số cơ sở chăn nuôi ở các xã, phường trên địa bàn TP. Nha Trang bùng phát dịch heo tai xanh, sức mua bán, tiêu thụ thịt heo nhanh chóng rơi vào tình trạng điêu đứng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, thịt heo luôn trong tình trạng ế ẩm, nhiều sạp bày la liệt nhưng lượng khách mua không đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thúy, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Phước Hải than phiền: "Sau khi ngành chức năng công bố dịch heo tai xanh, người tiêu dùng tẩy chay loại thực phẩm này, sức mua tại các chợ giảm hơn một nửa, giá thịt theo đó cũng giảm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy loại". "Trước đây mỗi ngày tôi bán trên dưới 100kg thịt heo nhưng với sức mua như hiện nay chúng tôi không dám lấy nhiều, chỉ hoạt động cầm chừng để giữ mặt bằng sạp chợ, chờ tình hình ổn định", bà Thúy nói. Không chỉ người buôn bán gặp khó, người chăn nuôi cũng méo mặt khi giá bán giảm liên tục, nhiều hộ nuôi vội bán tống bán tháo đàn heo với giá thấp. Thu nhập của gia đình anh Đặng Văn Quý ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng (TP.Nha Trang) chỉ trông chờ vào đàn heo thịt và heo giống. Hiện, anh có tới gần 30 con heo sắp đến ngày xuất chuồng nhưng gọi hoài mà thương lái không thu mua. Anh Quý than vãn: "Lái buôn đến chuồng và trả giá 20.000 - 30.000 đồng/kg heo hơi, giảm khá nhiều lần so với trước khi công bố dịch, với giá đó chúng tôi lỗ nặng". Nuôi tiếp heo thì sợ bị lây bệnh, điều trị tốn kém nhưng kêu bán trong lúc này lại bị thương lái ép giá. Người nuôi heo Khánh Hòa đang lâm vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Người tiêu dùng quay lưng Dạo một vòng quanh các sạp, thực trạng người tiêu dùng quay lưng với thịt heo khá phổ biến. Chị Ngô Thị Lan chia sẻ: "Từ ngày công bố dịch heo tai xanh, do không phân biệt được đâu là heo bệnh, heo lành nên gia đình tôi ngừng ăn thịt heo, chuyển sang sử dụng thực phẩm khác như thịt bò, tôm, cá cho an toàn".
Cùng với tâm lý e ngại trên, anh Nguyễn Vũ, một trong những chủ quán cơm tấm sườn bì lớn tại đường Tố Hữu (TP. Nha Trang) cho biết: "Mặc dù tôi lấy nguồn thịt heo sạch tại lò giết mổ đảm bảo, nhưng những ngày qua người đến ăn đều "né" thịt heo mà chọn trứng, cá, gà, mực… nên chúng tôi phải tính đến việc đổi khẩu phần ăn cho phù hợp với khách". Thị trường thịt heo ế ẩm dẫn đến việc chăn nuôi heo tại các trang trại, hộ gia đình cũng lâm vào tình cảnh nuôi không được, bán không xong. Người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm khác như tôm, cá, gà, vịt khiến sức mua các mặt hàng này tăng 1,5 lần so với trước. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ, bác sĩ thú y Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Khánh Hòa cho rằng: "Việc tự nguyện khai báo dịch và giám sát dịch bệnh hết sức quan trọng. Công tác giám sát dịch bệnh vẫn đang được địa phương triển khai khẩn trương, hết sức chặt chẽ. Khi dịch bệnh xảy ra ở các điểm, phải thống kê kịp thời những gia súc có bệnh và xử lý ngay, đồng thời tạo điều kiện cho bà con những chỗ không có dịch bán thịt. Địa phương lập các chốt kiểm dịch tại các xã có dịch, tùy theo tình hình có thể thành lập chốt dịch phạm vi rộng hơn". Ông Trương Đình Bình, Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa khẳng định: "Khi xảy ra dịch heo tai xanh, chúng tôi khuyến khích người chăn nuôi giảm đàn để hạn chế dịch bệnh lây lan. Tính đến nay, trên địa bàn TP. Nha Trang đã có 7 xã, phường phát dịch bệnh heo tai xanh như: Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Phước Hải, Phước Đồng…, có tới 600 con heo bệnh bị tiêu hủy. Số heo còn lại được bao vây, chữa trị theo phác đồ, nếu không tiến triển sẽ tổ chức tiêu hủy và hỗ trợ cho người nuôi theo quy định…". Thiết nghĩ, điều cần làm hiện nay là các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để người tiêu dùng không nên quá lo lắng mà "tẩy chay" thịt heo, hỗ trợ người dân trong việc giám sát dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |||||