Tiêu chuẩn dư lượng kháng sinh trong thủy sản: Nhật Bản áp cao gấp 10 lần EU
- Thứ hai - 14/03/2016 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quy định ngặt nghèo
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), thời gian qua, một số lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản đã bị cảnh báo về dư lượng nhiễm kháng sinh Enrofloxacin. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chủ tịch VASEP - cho biết, Nhật Bản quy định mức MRL cho tổng dư lượng Enrofloxacin và Ciprofloxacin - dẫn xuất của Enrofloxacin - trong sản phẩm thủy sản là 0,01 mg/kg. Trong khi đó, EU - thị trường nổi tiếng về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng chỉ quy định ở mức 0,1 mg/kg, thấp hơn 10 lần quy định của Nhật Bản. Enrofloxacin là kháng sinh được sử dụng rộng rãi để trị bệnh nhiễm trùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Việc quy định mức MRL đối với Enrofloxacin và Ciprofloxacin nghiêm ngặt hơn quá nhiều so với EU đã gây ra khó khăn lớn cho XK thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản những năm gần đây.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, quy định này Nhật Bản áp dụng cho tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu (NK) từ Việt Nam về chỉ tiêu kháng sinh mà không phân biệt doanh nghiệp NK có lịch sử kiểm soát chất lượng tốt hay xấu. Điều này không chỉ gây tác động tăng chi phí lưu kho, lưu bãi do chờ kết quả kiểm tra, mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này.
Giải pháp nào?
Theo VASEP, để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng XK thủy sản thời gian tới, VASEP đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ giải quyết vụ việc này. Cụ thể, đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam báo cáo đánh giá nguy cơ hoặc tài liệu tham chiếu phù hợp của Nhật Bản đối với Enrofloxacin, hoặc các bằng chứng khoa học làm cơ sở cho việc thiết lập mức MRL của nước này.
“Trường hợp chưa có báo cáo đánh giá nguy cơ hoặc tài liệu tham chiếu phù hợp, đề nghị Nhật Bản dừng áp dụng quy định trên cho tới khi sửa đổi lại các quy định dựa trên tiêu chuẩn của các nước đã có đánh giá nguy cơ về Enrofloxacin, ví dụ EU. Mặt khác, đề nghị Nhật Bản có chính sách phân luồng, ưu tiên cho doanh nghiệp có lịch sử kiểm soát chất lượng tốt để giảm tần suất kiểm tra doanh nghiệp”- VASEP kiến nghị.
Hiện, Nhật Bản là thị trường XK thủy sản lớn của Việt Nam, luôn chiếm tỷ trọng 17-23% tổng giá trị kim ngạch XK thủy sản của cả nước trong 10 năm qua. Năm 2015, XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,043 tỷ USD, đứng thứ ba sau Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, con số này lại giảm 13,9% so với năm 2014. Riêng mặt hàng tôm - loại thủy sản hay dùng đến Enrofloxacin, XK sản phẩm này sang Nhật năm qua đã giảm 22,8 % so với năm 2014 với giá trị kim ngạch đạt hơn 574 triệu USD. Do kinh tế khó khăn, các nhà NK Nhật Bản đang có xu hướng tìm tới nguồn cung tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Indonesia. Bởi vậy, tháo gỡ bớt rào cản để góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho thủy sản Việt đang là yêu cầu cấp thiết.
Còn nhớ, tại cuộc họp Tham tán thương mại 2016 vừa qua, khi nghe ông Nguyễn Hoài Nam báo cáo về việc XK thủy sản sang Nhật Bản đang hết sức khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cắt lời ông Nam để hỏi cụ thể về vấn đề này. Sau đó, Thủ tướng đã đích thân chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, ngành tìm hiểu và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhật Bản quy định mức MRL cho tổng dư lượng Enrofloxacin là 0,01 mg/kg, trong khi EU chỉ quy định ở mức 0,1 mg/kg, thấp hơn 10 lần quy định của thị trường này. |