Tìm giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hàng giả, hàng nhái

Tìm giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hàng giả, hàng nhái
Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường hiện nay đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mà chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải cùng phối hợp để ngăn chặn vấn nạn này.
 
Ảnh: VGP/Minh Thi

Đó chính là ý kiến của đa số các diễn giả, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Diễn đàn Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và Công ty Vina CHG tổ chức ngày 27/11 tại TPHCM nhân Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng qua, các cơ quan, lực lượng chức năng đã xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 12.388 tỷ 709 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).

Quản lý thị trường cũng đã phát hiện xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 54 vụ việc đang điều tra. Riêng đối với hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 10 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.

Hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Một số mặt hàng nổi cộm trong thời gian qua bao gồm thực phẩm, vật tư nông nghiệp, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô xe máy, mặt hàng tiêu dùng, thời trang…

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Trưởng Ban 389 Bình Dương, Kiểm soát viên chính thị trường - Cục Quản lý thị trường Bình Dương, hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối chính hãng đang phải đối mặt với những phương thức tinh vi, phức tạp từ nạn hàng giả. Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua Internet càng khiến cho công tác quản lý kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thêm khó khăn.

Vì vậy, theo ông Danh, cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà gồm Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức xã hội, địa phương, khu phố cùng các tầng lớp trong xã hội để đẩy lùi nạn hàng giả. Bởi vì, hàng giả hay hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ đều phải có một địa điểm để sản xuất hay tập trung hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. Do đó, sự phát hiện, tố giác từ các tổ chức hay người dân sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng vào cuộc.

Ông Trần Văn Dũng, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Tổng cục đã có các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hàng giả, điển hình là mắt cổng thông tin điện tử. Theo đó, bất cứ một đội quản lý thị trường nào trên cả nước sau khi phát hiện, bắt giữ hàng giả có thể đưa toàn bộ thông tin lên để các đơn vị khác trong Tổng cục biết, từ đó tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động, số lượng của các đối tượng buôn bán hay làm hàng giả.

Tiếp đến, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp để cập nhật các sản phẩm để có thông tin cụ thể về các sản phẩm đang lưu hành cũng như chuẩn bị ra thị trường.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, địa phương để tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức chống hàng giả cũng như mức độ nguy hại của nạn hàng giả, hàng nhái tới sự phát triển chung của xã hội cũng như của chính người tiêu dùng. Đồng thời, tổ chức treo tờ rơi tại các khu chợ truyền thống hay trung tâm thương mại, siêu thị để người tiêu dùng tiếp nhận những kiến thức hay thông tin nhất định về hàng giả.

Đặc biệt, Đội quản lý thị trường trên cả nước phối hợp cùng với các doanh nghiệp tổ chức các cuộc điều tra, kiểm soát bất thường cũng như thường xuyên tại các kênh mua bán để tìm ra hàng giả và có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo ý kiến của ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp (là nơi trực tiếp sản xuất ra hàng hóa và cũng là đối tượng chịu tổn thất nặng nề khi có nạn hàng giả, hàng nhái) phải luôn ý thức xây dựng cho mình một chiến lược chống hàng giả như một chiến lược quan trọng trong sản xuất - kinh doanh và đặc biệt phải xem nó như một văn hóa của công ty mình.

Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH mỹ phẩm Anh Đào, để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp cần dán tem chống hàng giả cho từng sản phẩm. Cụ thể, hiện nay trên thị trường có Vina CHG là đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp chống hàng giả toàn diện mang tính pháp lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề và đã được cấp giấy phép hoạt động in tem chống hàng giả theo quy định 60/NĐ-CP/2014 của Chính phủ.

Giải pháp tem chống hàng giả do Vina CHG cung cấp đều ứng dụng công nghệ 4.0 và các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ các dịch vụ phần mềm đi kèm để lưu trữ dữ liệu khách hàng, quản lý kho, quản trị hàng hóa lưu hành, chống bán lấn tuyến, lấn vùng, marketing… đặc biệt hỗ trợ hiệu quả trong công tác điều tra, xử lý hàng giả.

Theo Minh Thi/chinhphu.vn