Tín dụng 7 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng 8,54%
- Thứ sáu - 12/08/2016 00:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cụ thể, tại cuộc họp ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm đạt 8,54%, so với cùng kỳ năm trước.
Đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Thanh khoản của TCTD tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cự tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chưa bao gồm dư nợ của ngân hàng xã hội và ngân hàng phát triển, đến cuối tháng 7 đạt 900 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm, cho vay xuất khẩu tăng trên 3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,3%,...
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đầu năm 2016, Quốc hội đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát dưới 5%. Theo đó, NHNN đã bám sát vào các mục tiêu này với mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó đưa ra định hướng tín dụng 18% – 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16% – 18%.
"Theo các số liệu cập nhật, thì các chỉ tiêu M1, M2 phù hợp với các chỉ tiêu tiền tệ định hướng đã đặt ra từ đầu năm. Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ vẫn tiếp tục điều hành bám sát theo các chỉ tiêu tiền tệ định hướng”, bà Hồng nhấn mạnh.
Về xử lý nợ xấu , đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 5 tháng cuối năm, Nhà điều hành cho biết, sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các TCTD nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD đảm bảo an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa,...
Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.
TRẦN THÚY
theo BizLIVE