Tín hiệu mừng cho xuất khẩu
- Thứ năm - 02/06/2016 06:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối DN 100% vốn trong nước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 5 diễn ra mới đây, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), phân tích sau 5 tháng, tình hình xuất khẩu đang có nhiều điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu nhóm nông - lâm - thủy sản tăng đến 10,1% so với cùng kỳ, đạt 8,89 tỷ USD (5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản giảm 10%). Kim ngạch xuất khẩu khu vực DN 100% vốn trong nước cũng có tăng trưởng dương với 3,9%. Đây là dấu hiệu đáng mừng bởi cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của khối DN này giảm 3,4%. Nguyên nhân do DN trong nước chủ yếu xuất khẩu nhóm nông - lâm - thủy sản nên khi kim ngạch xuất khẩu nhóm này tăng lên, kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước cũng tăng theo.
Một trong những mặt hàng xuất khẩu được chú ý nhất thời gian qua là gạo. Theo Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 2,5 triệu tấn, trị giá 1,13 tỷ USD, tăng 4,3% về lượng, 8,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015. Theo bà Phan Thị Diệu Hà, không những giá trị và kim ngạch xuất khẩu gạo tăng cao mà số hợp đồng xuất khẩu của DN cũng tăng so với cùng kỳ. Lượng hàng tồn kho ở mức độ khiêm tốn, giá xuất khẩu tăng cho thấy các nước rất quan tâm đến mặt hàng gạo của Việt Nam và thông tin Thái Lan xả hàng bán kho gạo đã không ảnh hưởng nhiều đến các DN Việt Nam.
Nỗ lực vì mục tiêu chung
Dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10% cho cả năm nay như chỉ tiêu Quốc hội giao, vẫn còn không ít khó khăn. Đặc biệt, dù sau 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD nhưng riêng tháng 5, cả nước đã nhập siêu khoảng 400 triệu USD. Nguyên nhân do giá nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất có xu hướng tăng theo giá dầu thô. Để kiềm chế nhập siêu, bà Phan Thị Diệu Hà cho biết chi phí vận tải đóng góp một phần rất quan trọng trong chi phí xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Cho nên, cần rà soát lại chi phí vận tải để giảm chi phí xuất khẩu. Bên cạnh đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu những thủ tục xuất khẩu không cần thiết, tạo điều kiện cho DN xuất khẩu nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đang có xu hướng tăng chậm lại. 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất của nhóm hàng này chỉ tăng 8,6%, bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2015. Để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương đang làm việc với các hiệp hội, ngành hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (ISPARD), trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của một số nước châu Á tăng trưởng âm (4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6%; Ấn Độ giảm 8,8%; Indonesia giảm 13,2%...), con số tăng trưởng 6,6% của Việt Nam là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành.
Gia Song
theo SGĐT