Tôm xuất sang Mỹ bị đánh thuế gấp hơn 4 lần

Tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015.

Trong kết luận sơ bộ, DOC đã lựa chọn 2 doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc với mức thuế là 2,86% và 4,78%. Từ đó, mức thuế sơ bộ của các bị đơn tự nguyện (bình quân gia quyền thuế suất của các bị đơn bắt buộc) là 3,56%.

Tuy nhiên, trong kết luận cuối cùng DOC chỉ lựa chọn duy nhất 1 bị đơn bắt buộc với mức thuế suất giữ nguyên so với quyết định sơ bộ là 4,78%. Vì vậy, các bị đơn tự nguyện cũng nhận mức thuế suất 4,78%. Thuế suất toàn quốc vẫn giữ nguyên ở mức 25,76%.

So với mức thuế cuối cùng của POR9 (công bố ngày 15/9/2015), mức thuế cuối cùng của POR10 đã bị tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 theo Cục Quản lý cạnh tranh là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt (differential pricing) (cho phép DOC tái sử dụng phương pháp quy về 0) để tính toán biên độ phá giá.

Như vậy, kể từ kết quả sơ bộ của POR8, DOC đã liên tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt để tính biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam, khiến biên độ phá giá bị tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới mức thuế suất của POR10 cao hơn đó là vấn đề giá trị thay thế và nước thay thế. Trong các đợt rà soát hành chính tôm trước đây đối với Việt Nam, DOC thường lựa chọn Bangladesh làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá.

Trong POR10, mặc dù DOC vẫn xác định Bangladesh là nước thay thế chính và sử dụng số liệu của nước này để định giá nguyên vật liệu đầu vào, tuy nhiên, đối với một số đầu vào nhất định, DOC sử dụng giá trị của Ấn Độ. Điều này cũng góp phần dẫn đến biên độ phá giá tăng lên cho các doanh nghiệp Việt Nam.

P.V 
Theo Báo Hải quan