Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8 tỷ USD

So với năm 2015, dù còn một số khó khăn, song đến thời điểm này, xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang gặp rất nhiều thuận lợi khi chúng ta đã “mở” được kênh xuất khẩu vào hàng loạt thị trường khó tính nhất thế giới.
Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Hoàng Trung (ảnh) – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, với tình hình hiện nay xuất khẩu trái cây nước ta dự kiến sẽ vượt con số kỷ lục 1,8 tỷ USD vừa được thiết lập trong năm ngoái.

Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Hoàng Trung (ảnh) – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, với tình hình hiện nay xuất khẩu trái cây nước ta dự kiến sẽ vượt con số kỷ lục 1,8 tỷ USD vừa được thiết lập trong năm ngoái.

 

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt 764 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (47,7%),   dự kiến hết tháng  5 đạt khoảng hơn 900 triệu USD.

 

 

Việt Nam là nước rất có lợi thế về sản xuất trái cây. Song trên thực tế, trái cây của chúng ta thường không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ông có thể cho biết, những khó khăn của trái cây nước ta khi xuất khẩu?

- Đúng là việc xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó khó khăn lớn nhất là rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, nhất là trong thời gian tới, khi Việt Nam tham gia các hiệp định, đặc biệt là TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) các thuế suất giảm nhanh và bằng 0 thì các rào cản kỹ thuật sẽ được các nước nâng lên cao hơn nhiều so với hiện nay.

Các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Brazil thường có quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đặc biệt là đối với các loại quả tươi. Thường để tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho các loại quả tươi từ Việt Nam, phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại (PRA), thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu.

Người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vụ vải thiều năm 2015. Ảnh: Trần Quang

Những nguyên nhân nào khiến trái cây Việt Nam còn gặp nhiều rào cản như vậy, thưa ông?

- Sản xuất trái cây của Việt Nam hiện còn rất nhỏ lẻ, manh mún. Ví như việc cấp mã số vùng trồng cho quả vải xuất sang Mỹ, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để gom từ 24 đến 28 hộ thì mới cấp được một mã số khoảng 10ha, nên rất khó khăn để đáp ứng các nhu cầu của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như số lượng các doanh nghiệp tham gia việc xuất khẩu hoa quả tươi còn ít. Thực tế cũng phải nhìn nhận thật rằng, năng lực các doanh nghiệp Việt tham gia xuất khẩu còn yếu, đáng nói trong số đó còn xuất hiện một số doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh, làm mất uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Một trong những khó khăn của trái cây Việt Nam khi xuất khẩu là việc chiếu xạ, đây là khâu đòi hỏi nhiều chi phí nhất. Ông đánh giá thế nào về khâu này?

- Tới nay, 2 Bộ: NNPTNT và KHCN đã xây dựng, nâng cấp thành công một cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc đã giúp cho chi phí chiếu xạ, đặc biệt là cho quả vải giảm được 16 triệu đồng/tấn. Một tin vui nữa là vừa qua các hãng hàng không, nhất là Vietnam Airlines đã cam kết với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương sẽ dành tải trọng và tạo điều kiện tốt nhất để xuất khẩu vải sang các thị trường mới mở.

Về thị trường xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam đến thời điểm này đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, vừa qua phía Mỹ đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn và vải (yêu cầu chiếu xạ) và đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để cho phép nhập khẩu xoài và vú sữa.

Đối với thị trường Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, xoài (xử lý bằng hơi nước nóng tối thiểu ở nhiệt độ 46,5o C trong vòng 40 phút);  Cục BVTV tiếp tục đề nghị bạn sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa cho thanh long ruột đỏ, vải, nhãn.

Ngoài ra, Hàn Quốc đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ và xoài (xử lý bằng hơi nước nóng tối thiểu ở nhiệt độ 46,5o C trong vòng 40 phút). Đặc biệt, Hàn Quốc tiếp tục hoàn tất các thủ tục để cho phép nhập khẩu vú sữa của Việt Nam.

Tới đây, công tác kiểm dịch trái cây trước khi xuất khẩu sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Đối với những nước đang đàm phán như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... bên cạnh những trái cây đã vào được các thị trường này, chúng ta sẽ cố gắng giữ vững và duy trì thị phần. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tích cực đàm phán để đưa thêm các loại trái cây khác vào các thị trường đó.

Đối với việc sản xuất, Cục cũng chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tổ chức sản xuất theo đúng quy định mà Cục đã hướng dẫn. Đặc biệt, Cục sẽ chỉ đạo 2 trung tâm kiểm dịch tại 2 đầu miền Nam và miền Bắc xuống hướng dẫn các chi cục BVTV, trung tâm khuyến nông và xuống tận huyện để chức các lớp huấn luyện, hướng dẫn nông dân thực hiện việc sản xuất theo đúng quy định của các nước nhập khẩu.

Xin cảm ơn ông! 

Theo danviet.vn