Trái cây ngoại tràn ngập, chuyện gì đang xảy ra với trái cây nội?
- Thứ bảy - 26/08/2017 09:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhập ồ ạt, tăng giảm giá
Bộ NNPTNT thống kê, trong 7 tháng đầu năm, người Việt đã chi tới 852 triệu USD nhập khẩu rau quả các loại. Đáng chú ý, trong đó chi tới 659 triệu USD (khoảng 15.000 tỉ đồng) để nhập khẩu trái cây, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái.
Sáng thứ bảy một ngày cuối tuần, vào siêu thị Vincom Thủ Đức, trái cây ngoại được chất thành đống ngay cửa vào. Do đang vào mùa hệ thống siêu thị giảm giá, nên người dùng đổ xô tới mua. 1kg nho xanh, quả tròn của Mỹ trước đây 192.000 đồng, nay giảm còn 119.000 đồng. Tương tự, 1kg táo envy Mỹ từ 172.000 xuống còn 102.000 đồng. Nho đen không hạt của Nam Mỹ cũng giảm còn hơn trăm ngàn đồng, thay vì gần 200.000. Đây là những mặt hàng được mua nhiều nhất.
659 triệu USD (khoảng 15.000 tỷ đồng) là số tiền nhập khẩu trái cây, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái.
Chị Loan, nhà ở Linh Trung, Thủ Đức, cho biết các loại táo của Mỹ, Úc, New Zealand hay Hàn trong nước không trồng được nên gia đình phải mua hàng nhập khẩu. Táo envy của Mỹ hoặc New Zealand có hai loại quả to và nhỏ. Loại to lên đến hơn 200.000 đồng/kg, còn nhỏ giảm giá còn chừng hơn 100.000, đây là hai loại táo có vị ngọt, thơm, đặc biệt là rất giòn.
Trái cây ngoại, theo chị Loan đánh giá, không đắt hơn so với trái cây nội; trong khi lại được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, màu da đẹp, sạch, ăn cảm thấy an toàn, vì được nhập từ các nước có nền nông nghiệp phát triển.
“Trái cây nội như xoài cát có giá cũng gần 100.000 đồng/ký, bưởi da xanh tám chín chục ngàn; chôm chôm, nhãn, măng cụt có lúc cũng năm sáu chục ngàn; trong khi nhu cầu gia đình lại cần nhiều loại trái cây cho đa dạng nên phải mua trái cây ngoại thôi!”, chị Loan nhận xét.
Tại quầy trái cây hệ thống siêu thị Co.opmart, gần đây các sản phẩm táo nhập khẩu như táo gala, táo queen, táo rose có nguồn gốc từ Mỹ, Canada, Úc đều được áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá, mức giảm ít nhất 10%, còn trung bình 40.000 – 60.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn 35.000 đồng/kg.
Tại hệ thống siêu thị Big C, trong suốt thời gian qua năm loại táo có xuất xứ từ Pháp (royal gala, red delicious, golden delicious, braeburn, granny smith) được bán đồng giá 39.900 đồng, mức giá này ngang bằng với các loại táo, bom nhập khẩu từ Trung Quốc được bán tại các sạp trái cây tại các chợ. Một số loại táo có nguồn gốc từ Mỹ như envy cũng giảm còn trung bình 100.000 – 150.000 đồng/kg…
Trái cây nội lép vế hơn trái cây ngoại khi không được bảo quản lạnh, không dán nhãn mác đầy đủ. Ảnh: Hồng Liên
Giám đốc kinh doanh một siêu thị ở TP.HCM cũng cho biết, gần đây sức tiêu thụ trái cây ngoại tăng nhanh chóng mặt nên tại mỗi điểm bán, nguồn hàng phải bổ sung trong vòng hai đến ba ngày là tối đa, trước đây bán lai rai cả tuần mới hết. “Thị trường trái cây nhập khẩu đang là miếng bánh béo bở, các đầu mối nhập khẩu cũng tăng nhanh nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng nên các nhà nhập khẩu nhập hàng về quanh năm!”, vị giám đốc trên tâm sự.
Mở toang cửa
Vài năm trở lại đây, Việt Nam ký hàng loạt các hiệp định thương mại với EU, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, hay với các nước ASEAN… Do đó, các loại trái cây ngoại đang có mặt tại thị trường Việt Nam được hưởng ân huệ nhập khẩu từ các hiệp định này. Những táo, nho, cherry, lê, kiwi… có xuất xứ từ vùng ôn đới rõ ràng đang có lợi thế tại thị trường Việt Nam.
Qua trao đổi, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch hội Làm vườn Việt Nam, cũng nhìn nhận đây là điều mà ngành rau quả đã dự đoán được từ nhiều năm trước, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, nhiều dòng thuế được miễn giảm sẽ tạo cơ hội cho các loại trái cây nhập khẩu rộng đường vào, trong khi những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ trái cây trong nước của ta còn thiếu nhiều.
Trái cây nhập khẩu luôn có mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Hồng Liên
“Trái cây nhập khẩu có mẫu mã đẹp nhờ công nghệ bảo quản sau thu hoạch của các nước hơn hẳn nước ta. Trước đây nhập khẩu về lượng ít giá cao, còn bây giờ nhập về nhiều, lượng lớn giá rẻ cũng là điều dễ hiểu”, bà Mai nói.
Không chỉ trái cây xuất xứ ôn đới, ngay cả trái cây nhiệt đới cũng đang dần dần phổ biến ở Việt Nam như trái cây Thái Lan và Trung Quốc. Không khó để mua được bòn bon Thái ở các sạp trái cây hay hệ thống cửa hàng tiện lợi với giá 55.000 – 70.000 đồng/kg, măng cụt 60.000 – 75.000 đồng/kg hoặc táo Trung Quốc từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, lê 20.000 – 26.000 đồng/kg, đào trên dưới 20.000 đồng/kg.
Trong khi với trái cây nội, hiện có đến 90% sản lượng sản xuất ra chỉ để tiêu thụ được ở thị trường nội địa, còn lại cũng xuất khẩu được, nhưng đa số là bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vài năm gần đây, bằng các nỗ lực hoàn thiện quy trình trồng trọt và áp dụng phương pháp chiếu xạ, Việt Nam cũng xuất được một số loại trái cây như nhãn, chôm chôm, xoài, bưởi, vải, thanh long… nhưng sản lượng khiêm tốn do giá cao, chất lượng không đồng đều, đặc biệt là sản lượng bấp bênh.
Theo Bộ NNPTNT, giá trị xuất khẩu hàng rau quả bảy tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng số lượng trái cây chiếm tỷ lệ rất nhỏ, hầu hết là rau củ.
Cứ đà này, người Việt chẳng mấy chốc mà ghiền trái cây ngoại!
Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)