Trái cây vượt “rào cản” xuất khẩu
- Thứ tư - 12/09/2018 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang nhiều thị trường lớn và "khó tính" như Nhật Bản, Australia, Mỹ... tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, các đối tác nhập khẩu ngày càng "dựng lên" nhiều tiêu chí khắt khe, đặt ra yêu cầu tăng cường mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi ở trong nước nhằm bảo đảm chất lượng, qua đó các mặt hàng trái cây có thể vượt "rào cản" xuất khẩu.
Cán bộ Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội kiểm tra một vườn nhãn chín muộn để chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Bá Hoạt |
Cơ hội và thách thức
Kim ngạch xuất khẩu rau, quả 8 tháng năm 2018 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu với 74% thị phần, giá trị đạt 1,7 tỷ USD. Hiện nay, trái cây Việt Nam có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Canada…, mới đây chôm chôm của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang New Zealand. Dự kiến từ năm 2019, nhãn tươi của Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Australia…
Với ngành Nông nghiệp Hà Nội, vừa qua lô nhãn chín muộn đầu tiên của thành phố đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Cụ thể, có 18 tấn quả tươi được Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và 1 tấn được Công ty cổ phần Otas Global xuất khẩu sang châu Âu. Đây là tín hiệu vui cho trái cây Việt Nam nói chung và nông nghiệp Hà Nội nói riêng.
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm nay, kim ngạch trái cây xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt hơn 4 tỷ USD. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với một loạt sức ép cạnh tranh. Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: "Ngoài ảnh hưởng của mùa mưa khiến sản lượng một số loại trái cây sẽ giảm, từ nay đến cuối năm chúng ta còn bị chi phối bởi "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung. Do xuất khẩu sang Mỹ giảm nên Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản khác và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, kéo theo nhu cầu nhập khẩu trái cây của Việt Nam giảm".
Không chỉ gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngành chế biến và xuất khẩu trái cây trong nước cũng gặp nhiều vấn đề bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa kiểm soát được tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi nên giá trị thấp, dễ bị tác động bởi quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm của nước nhập khẩu... Ngoài ra, thời gian bảo quản trái cây ngắn do chưa có công nghệ tiên tiến, nhất là khâu sơ chế, đóng gói kém nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trái cây trong nước khá cao - lên tới hơn 30%.
Để đáp ứng những tiêu chuẩn nhập khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi còn phải thực hiện chiếu xạ, khiến chi phí tăng. Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu Ngô Tường Vy dẫn chứng: Hiện nay, các vùng trồng nhãn trong nước đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu…, nhưng việc thu mua quả nhãn tại các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu rất khó khăn, do buộc phải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ. Riêng khâu này đã khiến chi phí vận chuyển tăng từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Tăng liên kết theo chuỗi
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện cho các mặt hàng trái cây bước vào những thị trường mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải tăng cường mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi để bảo đảm chất lượng trái cây. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nhập khẩu trong các khâu, cùng với đó là khắc phục tồn tại trong vấn đề an toàn thực phẩm, quy cách bao gói, nhãn hiệu…
Hiện nay, các nước nhập khẩu trái cây rất quan tâm yếu tố dịch hại và thuốc bảo vệ thực vật, nếu trong quá trình kiểm tra, phát hiện lô hàng không bảo đảm chất lượng sẽ trả về và vùng trồng cây ăn quả đó sẽ bị "đánh dấu". Để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm quản lý chất lượng từ đầu vào tới đầu ra. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các yêu cầu về tem nhãn, bao gói và truy xuất nguồn gốc; thực hiện kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại vùng sản xuất để giảm thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, việc xuất khẩu thành công lô nhãn chín muộn đầu tiên sang Mỹ và châu Âu là thành công lớn của ngành Nông nghiệp thành phố. Tuy nhiên, để phát triển mạnh hơn tại những thị trường này, thời gian tới Sở sẽ tập trung trồng cây ăn quả theo hướng chuyên canh để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hà Nội khuyến khích tổ chức, cá nhân có điều kiện xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất, bảo quản, chế biến theo Quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm.