Tràn lan hoa quả nhập khẩu: Vừa mua, vừa lo

Nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao đã thúc đẩy hàng loạt DN nhập khẩu trái cây cao cấp về phân phối. Các cửa hàng, quầy bán hoa quả tươi nhập khẩu mọc lên ngày càng nhiều với giá bán không rẻ.
Muôn hình muôn vẻ

Nếu như vài năm trước, các loại trái cây nhập ngoại chỉ bày trong siêu thị (với giá rất đắt), giờ đây, ở bất cứ địa điểm nào, từ vỉa hè tới góc chợ cũng gặp những loại trái cây "đặc sản" dán mác nước ngoài, được chủ quầy ra sức chào mời, với lời cam đoan 100% hàng nhập khẩu, đảm bảo chất lượng.Tại một cửa hàng kinh doanh hoa quả tươi nhập khẩu trên phố La Thành, chị bán hàng đon đả giới thiệu các loại hoa quả "ngoại" như táo Mỹ giá 120.000 đồng/kg; nho đen/đỏ Australia không hạt 200.000 đồng/kg, cam vàng  Mỹ 110.000 đồng/kg, lê Corella Australia 250.000 đồng/kg… Thấy khách hàng tỏ vẻ băn khoăn, chị bán hàng nhiệt tình: "Hàng nhà chị đảm bảo về nguồn gốc, giá lại phải chăng, quả nho, táo nhìn vẫn tươi vì được vận chuyển bằng đường hàng không".
 

Khách hàng nên chọn mua hoa quả có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.Ảnh: Internet


Trên internet, các điểm "hoa quả tươi nhập khẩu" cũng nhiều không kém: Táo Mỹ, nho Mỹ, lê Australia, dâu tây Pháp, măng cụt Thái Lan... với những lời quảng cáo hoa mỹ như "hoa quả xách tay theo đường hàng không" hay "hàng xách tay về nên còn nguyên niêm phong, nhãn mác, bao bì xuất xứ của nước sản xuất"… Theo khảo sát của phóng viên, giá nho Mỹ tại cửa hàng trên đường Láng được bán ở giá 230.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại một số cửa hàng ở phố Thụy Khuê, nho đen được rao bán với giá từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng/kg…

Người tiêu dùng khó mà thông thái

Từ việc làm phong phú thêm những lựa chọn của người tiêu dùng do yếu tố "lạ", trái cây tươi nhập khẩu đang trở nên phổ biến như một nhu cầu tự nhiên. Chủng loại phong phú, mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, việc chọn được sản phẩm chất lượng thực sự khiến nhiều người tiêu dùng bối rối. Bởi, bên cạnh những sản phẩm chính hãng, thị trường cũng tồn tại không ít hàng trôi nổi.

Bà Nga, chủ một cửa hàng cho biết, giá các cửa hàng hoa quả nhập chênh lệch nhau lớn, một phần do chi phí vận chuyển, chất lượng sản phẩm, còn lại do một số cửa hàng trộn hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc được gắn tem, mác đội lốt hoa quả nhập. Khách mua hàng chỉ có cách phân biệt bằng mắt thường, nếm thử các loại hoa quả để phân biệt một cách rất mơ hồ.

Thời gian qua, theo Cục AT&VSTP - Bộ Y tế, một số loại trái cây Trung Quốc có dư lượng hóa chất deltamethrin (chất độc diệt côn trùng theo đường tiếp xúc) và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Các chuyên gia về ATVSTP cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng hoa quả Trung Quốc nhập lậu. Tuy vậy, khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của hoa quả ngoại nhập, hầu hết người tiêu dùng chỉ biết lắc đầu và… đành tin vào lời của người bán hàng. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng nên đến siêu thị hoặc các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm; Các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm về nhãn mác… hoa quả nhập. Và điều quan trọng nhất, người tiêu dùng Việt Nam nên ưu tiên dùng hoa quả có nguồn gốc trong nước, vừa đảm bảo an toàn, vừa góp phần thúc đẩy ngành trồng trọt trong nước phát triển.


 
Huyền Thảo
Nguồn:ktdt.com.vn