Tranh cãi quanh chuyện giá lợn hơi, ai đang "thao túng" giá?

Tranh cãi quanh chuyện giá lợn hơi, ai đang "thao túng" giá?
Giá lợn hơi trong nước liên tục duy trì ở mức trên 80.000 đồng/kg trước và sau tết khiến Ban điều hành giá của Chính phủ phải họp nóng tìm giải pháp hạ nhiệt.

Cần rà soát tổng đàn lợn nái

Câu hỏi đặt ra ở đây là giá lợn hơi tại Việt Nam trên 80.000 đồng/kg như hiện nay đã phản ánh đúng quy luật cung cầu hay có nhóm lợi ích nào đủ mạnh để thao túng, chi phối được giá lợn? Hơn nữa đã cho nhập khẩu thịt lợn nhưng giá lợn hơi trong nước vẫn cao?

 tranh cai quanh chuyen gia lon hoi, ai dang 'thao tung' gia? hinh anh 1

Cần rà soát lại tổng đàn lợn nái trên cả nước sau dịch tả lợn Châu Phi.

Theo số liệu Cục Thú y (Bộ NNPTNT) công bố gần đây tại nhiều hội nghị về chăn nuôi, tổng số lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại khoảng 6 triệu con, sản lượng thịt khoảng 400.000 tấn, chiếm 10% tổng sản lượng thịt.

Có rất nhiều tranh luận quanh số liệu 6 triệu đầu lợn bị tiêu hủy do dịch tả Châu Phi này, trong đó quản lý Nhà nước khẳng định số liệu là chuẩn xác 100% vì liên quan tới việc thống kê để nhận tiền hỗ trợ nên bà con khi có lợn bị nhiễm bệnh đều khai báo đầy đủ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia, doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, cần phải rà soát lại để có số liệu sát với thực tế hơn bởi chính sách không hỗ trợ khi tiêu hủy lợn của doanh nghiệp dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp, trang trại chấp nhập “bán lúa non” cả đàn nái, đàn lợn khi chưa đến tuổi “vàng” xuất chuồng nếu phát hiện một số cá thể trong chuồng nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

Nếu như số liệu trung bình cả nước, lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi đến nay mới chiếm khoảng 10% thì qua khảo sát của chúng tôi tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng như: Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương... tỉ lệ tiêu hủy đều dao động từ 30 - 50%.

Đơn cử như tỉnh Hà Nam, theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam, số liệu thống kê mới nhất, tổng đàn nái của tỉnh Hà Nam chỉ còn khoảng 28.000 so với con số 60.000 nái trước đây.

Tính đến nay, tổng số lợn chết và tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nam lên tới trên 130.000 con, thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng, chưa kể số tiền chi cho việc tổ chức tiêu hủy, khử trùng. Đa phần các xã của tỉnh Hà Nam đều tiêu hủy 30 - 50% tổng đàn, thậm chí có xã đàn lợn giảm hiện chỉ còn khoảng 20% so với trước dịch.

 tranh cai quanh chuyen gia lon hoi, ai dang 'thao tung' gia? hinh anh 2

Đảm bảo an toàn vệ sinh khi giết mổ lợn.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, doanh nghiệp được cho là có tổng đàn lợn nái lớn nhất cả nước có số liệu được doanh nghiệp này công bố trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi là khoảng 360.000 nái (bao gồm cả cụ kỵ, ông bà và bố mẹ). Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam chia sẻ tại nhiều hội nghị gần đây, tổng đàn nái của doanh nghiệp này hiện còn khoảng 310.000 con (giảm khoảng 50.000 nái), chiếm khoảng 9 - 10% tổng đàn nái của cả nước.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, doanh nghiệp được cho đang nắm giữ đàn nái đứng thứ hai tại Việt Nam. Tại nhiều hội nghị về chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco không giấu diếm mà thẳng thắn chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn nái của Dabaco từ 60.000 con hiện giảm chỉ còn khoảng 40.000 con.

Tất nhiên, số liệu do phía C.P Việt Nam và Dabaco công bố cần được kiểm chứng lại, nhưng qua đó cho thấy hầu như không có doanh nghiệp, trang trại nào tại Việt Nam là không bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi trong vòng một năm qua.  

Nhập khẩu thịt lợn, dễ mà khó

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi từ đầu năm 2019 nên hiện nay, lượng thịt nhập khẩu đã tăng mạnh trong năm 2019 để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Những đợt khủng hoảng giá lợn tại Việt Nam từ năm 2017 đến nay dư luận nhiều lần đặt nghi vấn “thủ phạm” thao túng đằng sau là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Tuy nhiên, với số liệu đàn nái được phía C.P Việt Nam và cơ quan chức năng công bố, C.P Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 9 - 10% tổng đàn nái của cả nước, theo kinh tế thị trường với 10% C.P đủ sức ảnh hưởng, tác động tới thị trường nhưng khó thao túng được giá, bởi nếu thực sự C.P Việt Nam quyết được giá lợn thì từ năm 2017 đến nay chúng ta không phải giải cứu ngành chăn nuôi lợn tới hai lần.

Cụ thể, trong năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của cả nước đạt hơn 121.000 tấn với kim ngạch 136 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần về lượng và tăng 97% về kim ngạch so với năm 2018.

Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương, tai, đuôi, lưỡi… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển tại châu Âu và châu Mỹ.

Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, thịt tươi và ướp lạnh 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico..., mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.

Hiện có tới 26 quốc gia đã ký nghị định thư về thú y và được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt vào Việt Nam. Việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay từ 26 quốc gia trên không quy định hạn ngạch, cơ quan thú y của Bộ NN-PTNT chỉ thực hiện các biện pháp kiểm dịch động vật và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và thông lệ quốc tế, việc nhập số lượng bao nhiêu đều do các doanh nghiệp tự quyết định.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn cho biết, thực tế do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, do cạnh tranh từ các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc nên giá thịt lợn tại một số nước có thế mạnh về xuất khẩu thịt như: Mỹ, Brazil, Mexico… cũng tăng 30 - 40% nên cộng chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí kho lạnh, bảo quản khi về tới Việt Nam giá các loại thịt loại 1 như ba chỉ, thịt thăn, sườn non, nạc vai… cao hơn giá thịt lợn trong nước.

Đây là lí do lí giải tại sao các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập thịt lợn loại 3, loại 4 là các mặt hàng nước xuất khẩu ít người ăn như chân giò, móng giò, xương, tai, đuôi, lưỡi... bởi nhập thịt này mới có lợi nhuận.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp trong nước không nhập khẩu được số lượng lớn thịt lợn về Việt Nam bởi thói quen văn hóa không thích ăn thịt cấp đông của đại bộ phận người Việt.

Do vận chuyển xa nên thịt lợn đông lạnh nhập khẩu đều phải cấp đông sâu ở nhiệt độ - 40 độ C nên không dã đông để bán như thịt ấm hay thịt mát truyền thống tại chợ. Vì vậy, thị trường tiêu thụ thịt nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm, các nhà hàng, quán lẩu, quán nướng và bếp ăn công nghiệp nên có giới hạn về số lượng.

Không đâu xa, khi dịch tả lợn Châu Phi mới bùng phát cuối tháng 2/2019 khiến giá lợn hơi trong nước những tháng ngay sau đó giảm chỉ còn 25.000 - 30.000 đồng/kg, liên Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cùng rất nhiều địa phương, doanh nghiệp họp bàn giải pháp cấp đông nhằm giải cứu thịt lợn, nhưng kết quả thu lại như nào đến nay đã rõ.

Do đó, để chuyển đổi thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân từ ăn thịt ấm sang tiêu thụ thịt mát, thịt đông lạnh là rất khó khăn, đòi hỏi phải mất cả một quá trình lâu dài tuyên truyền, vận động bền bỉ.

Từ những dữ liệu trên có thể khẳng định, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và số lượng lợn đã bị tiêu hủy nên nguồn cung thịt lợn trong nước hiện nay chắc chắn đang thiếu, nhưng thiếu cụ thể bao nhiêu % cần nhanh chóng có cuộc tổng rà soát thống kê đàn lợn nái trên toàn quốc hiện nay còn 2 triệu, 3 triệu hay 4 triệu con thay vì tranh luận số liệu nào đáng tin cậy hơn.

 

 
Theo Nguyên Huân (Nông nghiệp Việt Nam)