Triển vọng cho con tôm
- Thứ tư - 14/11/2018 19:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá tôm đã dễ thở hơn
Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL từ cuối tháng 10-2018 đến nay ổn định, không biến động nhiều. Hiện giá tôm sú loại 40 con/kg được thương lái mua 150.000 - 160.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg giá 180.000 - 190.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 90 - 100 con/kg giá 90.000 - 97.000 đồng/kg... Theo những người nuôi tôm tại ĐBSCL, giá tôm như hiện tại dù chưa cao so với thời điểm cùng kỳ, nhưng người nuôi vẫn đảm bảo có lời.
Ông Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Giá tôm hiện giờ dù chưa cao, tuy nhiên người nuôi vẫn sống được và vẫn có lời nếu tôm nuôi đạt đầu con. Thời điểm từ tháng 6-2018 trở về trước, tôm thẻ xuống giá thê thảm, loại 100 con/kg giá dưới 80.000 đồng/kg khiến nhiều người nuôi treo ao. Tôm có giá trở lại nên người dân đã mạnh dạn thả nuôi”. Gặp chúng tôi bên cạnh ao tôm, ông Nguyễn Văn Thương (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bộc bạch: “Tôi quyết định nuôi hết 6 ao tôm bởi gần đây giá tôm đã tăng trở lại”. Tại Cà Mau, hiện diện tích nuôi tôm công nghiệp khoảng 9.620ha. Diện tích thả nuôi trên 50%. Còn tại tỉnh Kiên Giang, diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp khoảng 2.484ha, tăng mạnh so với cùng kỳ. Tương tự, nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL người dân đã thả nuôi tôm trở lại…
Bên cạnh đó, tại ĐBSCL cũng đang đẩy mạnh mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Nuôi tôm theo mô hình này rủi ro thấp, nhưng cần vốn đầu tư cao. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh cả diện tích và người nuôi. Trong tháng 10 thì loại hình này phát triển thêm 170 hộ, diện tích 136ha, lũy kế đến nay có 1.947 hộ, diện tích nuôi 2.019ha.
Nhằm tăng cường dự báo và quản lý nuôi tôm trên địa bàn những tháng cuối năm 2018, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo cơ quan chuyên môn khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại những vùng có tiềm năng và đáp ứng các điều kiện nuôi tôm nước lợ; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm; khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Hải cũng yêu cầu kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, quản lý tốt chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản.
Liên kết, giảm giá thành
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá thành sản xuất của chúng ta còn cao hơn các nước như Ấn Độ, Thái Lan… 15% - 20%. Với giá tôm như vậy nên khó cạnh tranh.
Mới đây, tại “Diễn đàn tôm Việt 2018”, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhận định ngành tôm Việt Nam đang có bước phát triển khá tốt, đóng góp quan trọng trong xuất khẩu, cũng như sự phát triển kinh tế của các địa phương. Song, chúng ta cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, xuất khẩu tôm đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước bạn trong khu vực. “Khó khăn trực diện của con tôm Việt Nam hiện nay là giá thành nuôi khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh cũng như sự phát triển ổn định, bền vững của ngành tôm. Giảm giá thành trong nuôi tôm là vấn đề cấp bách hiện nay”, ông Dương Thành Trung nhận định.
Một trong những việc để phát triển ngành tôm bền vững là sản xuất theo chuỗi liên kết. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, về liên kết đầu vào đến nay đã ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm, với 18 hợp tác xã và 20 tổ hợp tác, gồm 70 hộ, tổng diện tích là 1.500ha. Tham gia hợp tác liên kết chuỗi giá trị tôm còn có 12 công ty sản xuất giống, 4 đại lý thức ăn, thuốc hóa chất và chế phẩm sinh học… Về liên kết đầu ra, Sở NN-PTNT phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, vùng nuôi, hộ dân… thực hành nuôi tôm bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, đã hoàn thành chứng nhận được 19.000ha với 4.200 hộ.
Về giải pháp phát triển bền vững chuỗi liên kết ngành tôm ở Cà Mau, theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, các cấp chính quyền cần đóng vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần, có kế hoạch cụ thể cho tiến trình liên kết, thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, có chính sách huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân và công ty trong sản xuất, tiêu thụ. Đối với doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân để đảm bảo nguồn cung ứng bền vững. Hộ nuôi tôm cần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và phải tuân thủ triệt để theo quy trình sản xuất; cần giữ chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, không tự ý phá vỡ khi giá cả biến động. Có như vậy, mối liên kết mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.