Triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2016
- Thứ ba - 10/05/2016 10:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tình hình thị trường
Nhật Bản
Năm 2015, việc đồng Yên mất giá so với đồng USD đã khiến cho Nhật Bản không thể thúc đẩy nhập khẩu do các nhà bán lẻ không giảm giá bán. Tính đến hết năm 2015, nhập khẩu tôm vào thị trường này giảm 18% so với năm 2014, còn gần 2,3 tỷ USD. Khối lượng nhập khẩu trong năm tài chính 2015 (tháng 4/2015 đến tháng 3/2016) dự kiến giảm 6% so với năm trước đó trong khi khối lượng tiêu thụ chỉ giảm 2%.
Mỹ
Trong năm 2015, mặc dù Mỹ tăng khối lượng nhập khẩu tôm so với năm 2014 nhưng giá trị nhập khẩu lại giảm. Năm 2015, Mỹ nhập khẩu 587.185 tấn tôm, trị giá 5,5 tỷ USD so với 568.644 tấn, trị giá 6,7 tỷ USD năm 2014. Từ quý IV/2015, tình hình tiêu thụ tôm có dấu hiệu khả quan hơn. Trong giai đoạn cuối năm và đầu năm mới, giá tôm bán buôn vẫn giữ ở mức ổn định.
EU
Năm 2015, nhu cầu tôm ở EU vẫn yếu do giá nhập khẩu giảm và giá tôm tính theo Euro tăng. Nhập khẩu tôm vào EU chỉ đạt trên 7 tỷ USD, giảm hơn 15% so với mức 8,3 tỷ USD trong năm 2014, trong đó nhập khẩu vào các nước đứng đầu như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan đều giảm. Nhập khẩu vào Ireland tăng mạnh nhất, với mức tăng trưởng trong hai năm liên tiếp đều đạt mức gần 70%. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu tôm vào Ireland không lớn, chỉ đạt chưa tới 100 triệu USD mỗi năm.
Nguồn VASEP
Triển vọng
Năm 2016, nguồn cung tôm toàn cầu nhiều khả năng sẽ tốt hơn do dịch bệnh phần nào đã được khắc phục tại nhiều nơi trên thế giới. Người nuôi tôm và các nhà kinh doanh tôm Thái Lan dự kiến sản lượng tôm nước này có thể đạt trên 300.000 tấn năm 2016. Năm 2016, ngành tôm Thái Lan sẽ tươi sáng hơn do dịch bệnh EMS ở các trại ương giống của nước này đã giảm trong khi nhu cầu từ các nhà nhập khẩu thế giới vẫn tốt.
Dây chuyền sản xuất mặt hàng tôm lăn bột đạt tiêu chuẩn quốc tế của Quoc Viet Co.,Ltd - Ảnh: Huỳnh Lâm
Mexico có một số nhà cung giống tốt, điều này sẽ hỗ trợ sản lượng tôm nuôi của nước này tăng trong năm 2016 khi các công ty biết cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát tốt chất lượng nước trong ao nuôi. Dự kiến sản lượng tôm nuôi tại Mexico sẽ đạt 110.000 tấn năm 2016.
Sản lượng tôm của Brazil năm 2016 dự kiến tăng 14,4% đạt 87.000 tấn sau khi giảm 10,6% trong năm 2015, gần tương đương với năm 2003 khi sản lượng đạt mức cao kỷ lục 90.000 tấn. Sản lượng tôm của nước này năm 2016 dự kiến tăng do các vùng nuôi chính ở Bahia, Pernambuco và Rio Grande do Norte đã phục hồi sản lượng ngay cả khi đã giảm mật độ thả nuôi.
Tại thị trường EU, khối lượng tôm cỡ nhỏ tăng có thể khiến giá tôm trên thị trường này trong năm 2016 giảm nhẹ so với năm 2015. Năm 2015, trên thị trường EU, tôm nước ấm có nhu cầu cao hơn so với tôm nước lạnh khai thác tự nhiên. Dự kiến, xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2016. Theo dự đoán, châu Âu vẫn là thị trường nhạy cảm về giá và nhu cầu đối với tôm giá rẻ vẫn tăng ở các thị trường thuộc khối này.
Nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 dự kiến tăng do đồng USD tăng giá, khiến giá tôm giảm so với hai năm trước đây và tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Các chương trình quảng cáo tôm bán lẻ ở Mỹ sôi động hơn do giá tôm bán buôn giảm. Xu hướng này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường này.
>> Hiện nay, Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng của các nhà cung cấp tôm từ châu Á và Mỹ Latinh. Nhập khẩu tôm đông lạnh vào Việt Nam 9 tháng đầu năm 2015 đạt gần 150.000 tấn, trở thành nhà nhập khẩu tôm đông lạnh số 1 châu Á. |