Triển vọng sản xuất cá tra năm 2017
- Thứ năm - 02/03/2017 01:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sẵn sàng cho phát triển
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2016, xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới; với những thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Ả rập Xê-út.
Các địa phương vùng ĐBSCL có diện tích thả nuôi cá tra tăng so năm 2015 là Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang. Vào thời điểm cuối năm 2016, giá cá tra đã tăng lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, hộ dân nuôi cá tra ở thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ phấn khởi, người nuôi đã có lời 1.000 - 2.000 đồng/kg và hy vọng con cá tra sẽ trở lại thời hoàng kim cách đây sáu, bảy năm.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, tình hình chung năm 2016 ngành cá tra chủ động nên hiệu quả sản xuất có xu hướng tăng dần. Hiện, cả nước có 20 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến cá tra xuất khẩu, chiếm tỷ trọng khoảng 80% toàn ngành và tiêu thụ hơn 70% cá nguyên liệu. “Việc kiểm soát và định hướng chiến lược phát triển ngành cá tra Việt Nam hoàn toàn trong tầm tay các ngành chức năng, địa phương”, ông Hòe nhấn mạnh.
Dự báo của Bộ NN&PTNT, năm 2017, thị trường cá tra sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2016. Ngoài xuất khẩu, thị trường trong nước với 92 triệu dân cũng rất giàu tiềm năng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến... sẽ mở rộng thêm đầu ra cho cá tra.
Các doanh nghiệp sản xuất giống cũng đang có kế hoạch mở rộng sản xuất trong năm 2017. Ông Hoàng Đức Cát, cán bộ quản lý sản xuất giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Công ty TNHH Công nghệ Aquafish Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, cho biết, đơn vị đang có kế hoạch tăng sản lượng cung cấp giống lên 6 - 7 triệu con cho mùa vụ năm 2017. Cùng đó, sẽ thả tổng cộng 40 triệu bột, có nguồn gốc chất lượng từ Trung tâm Giống của tỉnh An Giang, dự kiến đến cuối quý I/2017, đưa ra thị trường 3 - 4 triệu con giống.
Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thành phố Cần Thơ Lê Văn Tính cũng cho biết, đơn vị có 886 con cá tra bố mẹ chất lượng tốt, khả năng mỗi năm sản xuất 300.000 - 600.000 con cá giống. Năm 2016, sản xuất cá giống chưa khai thác hết tiềm năng nhưng năm 2017 khả năng sẽ khai thác hết.
Chú trọng chất lượng con giống
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc chia sẻ, khó khăn nhất của ngành cá tra chính là chất lượng giống thấp vì bị thoái hóa; đây cũng là quan điểm của Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương Dương Ngọc Minh. Ông Minh phân tích thêm, giá thành sản xuất cao là do con giống. Cần có con giống sạch bệnh, không hao hụt, mau lớn mới giúp nuôi có lãi; đồng thời, cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chọn ra một địa phương trong vùng để phát triển con giống.
Được biết, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã thực hiện chương trình “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng” trong 2 năm (2010 - 2011), sau đó dừng lại. Kết quả, cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL 101.000 con cá tra bố mẹ, hiện còn 82.131 con tham gia sinh sản, chưa đáp ứng nhu cầu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II Nguyễn Văn Sáng cho biết, từ tháng 4 - 5/2017, trong chương trình giống của Bộ NN&PTNT, Viện tiếp tục cung cấp 15.000 con cá tra hậu bị đã qua chọn lọc, 1 kg/con. Những con cá này sẽ sinh sản sau 2 năm nuôi, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Các năm tiếp theo, giai đoạn 2018 - 2020, mỗi năm sẽ cung cấp 15.000 con hậu bị.
Trong 4 năm gần đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II nghiên cứu và thành lập được quần đàn cá tra cho chọn giống nâng cao khả năng kháng bệnh gan thận mủ. Kết quả ban đầu cho thấy, đặc tính tốt về kháng bệnh gan thận mủ có khả năng di truyền lại cho thế hệ con ở mức từ trung bình đến cao, mở ra triển vọng có thể tăng khả năng kháng bệnh gan thận mủ bằng phương pháp chọn lọc. Viện đã đề xuất với Bộ NN&PTNT tiếp tục chọn giống nâng cao tính kháng bệnh gan thận mủ, tỷ lệ sống và tăng trưởng trong Dự án khoa học công nghệ sản phẩm quốc gia cá da trơn. “Chúng tôi hy vọng Dự án khoa học công nghệ này sớm được phê duyệt để triển khai, nhằm nâng cao 2 tính trạng mới là kháng bệnh gan thận mủ và tỷ lệ sống. Đây là 2 tính trạng được người nuôi quan tâm nhất hiện nay”, ông Nguyễn Văn Sáng nói.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho rằng: Chất lượng con giống không chỉ phụ thuộc vào chất lượng di truyền mà còn phụ thuộc vào dinh dưỡng và kỹ thuật ương nuôi. Do đó, người sản xuất cá bột, cá giống, nuôi thương phẩm và nhà chế biến xuất khẩu cần gắn kết chặt chẽ với nhau, phân chia lợi nhuận hợp lý để không ngừng bảo vệ và nâng cao chất lượng cá tra.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam